Kiên quyết phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam

Kiên quyết phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam
TP - Ngày 7-3, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động tại các khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và chúng tôi kiên quyết phản đối”.

> Phản đối các hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam
> Báo Trung Quốc cổ súy du lịch trái phép Biển Đông

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự các hội nghị cấp cao tại Lào

Tuyên bố của ông Nghị được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc mới đây cử một số tàu hải tuần ra biển Đông, trong đó có khu vực Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Theo Xinhua, ngày 4-3, một máy bay trực thăng của lực lượng hải giám Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Trường Sa. Trước đó, ba tàu hải tuần rời cảng Tam Á (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) để ra biển Đông để thực hiện cái gọi là “nhiệm vụ tuần tra định kỳ”.

Xinhua hôm 7-3 đưa tin, người đứng đầu cái gọi là thành phố Tam Sa cùng ngày cam kết đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Tam Sa.

Bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra, Thị trưởng Xiao Jie của cái gọi là thành phố Tam Sa, nói rằng, chính quyền và người dân Tam Sa hiện phải dựa vào tàu đem nước ngọt và các nhu yếu phẩm, nguyên vật liệu tới, trong khi hệ thống hỗ trợ hậu cần và vận tải còn yếu.

Theo ông Xiao, các văn phòng làm việc sẽ được xây dựng thêm, và cái gọi là thành phố Tam Sa này đang chuẩn bị các tuyến đường biển và hỗ trợ hậu cần để mở cửa các hòn đảo và vùng biển phụ cận cho du khách. “Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ mở cửa cho du lịch. Tôi tin là sẽ không quá lâu”, ông này nói.

Theo Xinhua, ngày 6-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng, việc chính quyền trung ương năm ngoái quyết định thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và bãi Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa), là bước đi quan trọng, sau khi xem xét tình hình trong và ngoài nước. Phía Việt Nam đã nhiều lần phản đối quyết định sai trái trên của phía Trung Quốc.

Tăng cường hợp tác khu vực

Tại buổi họp báo, ông Lương Thanh Nghị thông báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 6 (CLMV-6), Hội nghị cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawadi - Chao Phraya - Mekong lần thứ 5 (ACMECS-5), đối thoại giữa lãnh đạo ACMECS và đại diện khu vực doanh nghiệp, từ ngày 12 đến 15-3 tại Lào.

Trong thời gian ở Lào, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 7 (CLV-7).

CLMV-6 sẽ kiểm điểm tình hình triển khai các kế hoạch hành động giai đoạn 2011 - 2012, thảo luận một số lĩnh vực hợp tác cụ thể cũng như phương hướng đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ CLMV (bao gồm rà soát danh sách dự án ưu tiên, huy động các đối tác phát triển mới, tìm kiếm nguồn lực tài chính cho các dự án ưu tiên).

ACMECS-5 sẽ rà soát tình hình triển khai Tuyên bố Phnom Penh và Chương trình hành động ACMECS 2010 - 2012, thảo luận phương hướng hợp tác thời gian tới, đặc biệt là Chương trình hành động giai đoạn 2013 - 2015.

Tại CLV-7, Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam sẽ trao đổi phương hướng, biện pháp thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa ba nước, nhằm triển khai các chương trình, kế hoạch đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào, cùng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Campuchia. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi thăm làm việc một số tỉnh Bắc Lào, người phát ngôn Lương Thanh Nghị thông báo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG