Kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gỡ khó cho ngành điện

Kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gỡ khó cho ngành điện
TP - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội nhiều đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam.

> Nguồn cơn khiến 3 ‘đại tập đoàn’ kêu lỗ
> Chưa giảm giá điện vì khoản lỗ của EVN

Hiện tại, EVN đang gặp khó khăn về việc vay vốn để đầu tư các dự án trong Quy hoạch Điện VII
Hiện tại, EVN đang gặp khó khăn về việc vay vốn để đầu tư các dự án trong Quy hoạch Điện VII.
 

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA, qua khảo sát thực tế mới đây, Hiệp hội Năng lượng nhận thấy những vấn đề tồn tại cần được giải quyết trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện của TKV, PVN, EVN.

Cụ thể, trong nhiều năm qua EVN đã đầu tư xây dựng được nhiều nhà máy điện, trong đó đa số là các nhà máy thủy điện (lớn nhất là nhà máy thủy điện Sơn La công suất 2.400MW) đã đóng góp một lượng công suất lớn cho hệ thống làm giảm tình trạng thiếu điện như trước đây. Đây là một thành tích đáng ghi nhận của EVN.

Đến nay, vốn vay đầu tư cho rất nhiều dự án của EVN là rất cao đồng nghĩa với số nợ của EVN cũng rất lớn. Do vậy hiện tại EVN đang gặp khó khăn về việc vay vốn để đầu tư các dự án trong Quy hoạch Điện VII. Cần phải có sự hỗ trợ của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho EVN.

Đại diện VEA cho biết, qua khảo sát các nhà máy điện của 3 Tập đoàn thì các nguồn điện chạy than được huy động với giá không cao (mức chào giá cạnh tranh là 5%) giao động từ 800 - 1.000 đồng/kWh) thấp hơn giá thành sản xuất, thời gian huy động của các nhà máy này cũng không cao, đặc biệt các nhà máy của TKV chỉ huy động 30-40% công suất kể cả Nhiệt điện Phả Lại của EVN cũng không huy động hết công suất.

Nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than của TKV, EVN chỉ khai thác một sản lượng điện nhỏ, thời gian huy động ít làm cho các nhà máy đó đều bị lỗ, lãng phí nguồn phát của các tổ máy, doanh thu thấp không đủ tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên.

“Đề nghị EVN chỉ đạo Công ty Mua bán điện sớm kết thúc các hợp đồng PPA (kể cả phần O&M) với các Tổng công ty và Công ty phát điện của 3 Tập đoàn.

Làm rõ chi phí giá điện

Cũng theo ông Ngãi, cần hạch toán giá thành ở khâu bán buôn cũng như khâu bán lẻ trong giá thành phải tính đầy đủ các loại chi phí như: chi phí cho truyền tải điện, chi phí cho phân phối, chi phí cho bộ máy quản lý vận hành từ trên xuống dưới, chi phí trượt giá đồng ngoại tệ, chi phí khấu hao, lợi nhuận, thuế, tổn thất điện năng và các chi phí khác, v.v.

Việc tính toán để xác định giá thành 1 kWh bán ra là bao nhiêu, với giá thành đó thì kể cả EVN, TKV, PVN đều không bị lỗ mà còn có lãi để tiếp tục tái đầu tư xây dựng các công trình mới theo Quy hoạch điện VII...

“EVN cần sớm minh bạch và công khai giá thành giá đầu vào và giá đầu ra, lỗ lãi, để nhân dân biết từ đó việc tăng giá điện hay giảm giá điện như thế nào là hợp lý, để nhân dân đồng tình” - VEA kiến nghị.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, để ngành năng lượng làm tròn sứ mệnh đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước, cũng như phục vụ đời sống nhân dân, VEA đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo việc lập và triển khai thực hiện các quy hoạch phân ngành năng lượng sao cho đảm bảo tính thống nhất và tính đồng bộ.

Quy hoạch phát triển điện lực phải được lập phù hợp với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu khí, nguyên tử) cho phát điện, bao gồm các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Về giá nhiên liệu cung cấp cho ngành năng lượng đề nghị Bộ Công Thương tổ chức nghiên cứu, soát xét một cách đồng bộ giá than, điện, dầu, khí theo giá thị trường dưới sự chỉ đạo của Chính phủ để đầu ra của giá điện được hợp lý làm cho doanh nghiệp, nhân dân đồng tình trên tinh thần các Tập đoàn trong ngành năng lượng phải có lãi để tiếp tục đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, cần rà soát nhu cầu, khả năng cung cấp và thống nhất giá nhiên liệu cho một số nhà máy, trung tâm điện lực cũng như quan tâm hơn nữa về phát triển năng lượng tái tạo, đưa ra các Chính sách cơ chế ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, (gió, mặt trời, sinh khối, sinh học, địa nhiệt, thủy triều…).

Cũng theo đánh giá của VEA tiến độ thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII đến nay là rất chậm, chủ yếu là do không thu xếp được vốn.

Vậy kiến nghị với Đảng, Chính phủ, Nhà nước tạo cơ chế chính sách giúp cho ba Tập đoàn EVN, PVN, TKV và các nhà đầu tư khác sớm có đủ vốn để triển khai đúng tiến độ các dự án của Quy hoạch Điện VII.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG