Kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp 3.400 tấn gạo cho người dân vùng lũ

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành phải cử các đoàn xuống các địa phương giúp người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành phải cử các đoàn xuống các địa phương giúp người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ
TPO - Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp 3.400 tấn gạo, thuốc men, hóa chất lọc nước, vắc xin, hóa chất khử trùng…cho các tỉnh chịu thiệt hại do mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên.

Sáng 9/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ vừa qua.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, bão và mưa lũ sau bão đã làm 91 người chết, 23 người bị thương tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Bão lũ cũng làm đổ, sập gần 1.500 ngôi nhà; gần 120.000 nhà bị tốc mái; gần 26.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thi hại; gần 1.300 tàu cá bị đánh chìm, hư hỏng và đặc biệt tới 8 tàu vận tải bị chìm tại Bình Định.

Về giao thông có 5 vị trí trên quốc lộ 1, 24 vị trí đường Hồ Chí Minh từ Quảng Trị đến Kon Tum, 23 vị trí các quốc lộ 14E, Quốc lộ 40B, Quốc lộ 14B, QL49, QL49C, QL 27C bị sạt lở, ngập sâu gây ách tắc. Đặc biệt Quốc lộ 49 và 27C đến ngày 8/11 vẫn chưa thông tuyến.

Đến chiều qua, Quốc lộ 1 đã thông toàn tuyến; đường Hồ Chí Minh còn tắc đường 2 điểm tại Huế và Quảng Nam; QL 49B còn tắc đường tại Huế; QL 27C tắc đường tại Lâm Đồng; một số đường nối ngang còn sự cố, mới thông xe một bên. Đường sắt còn tắc tại một điểm ở Đèo Cả (phải tăng bo), dự kiến hôm nay sẽ thông tuyến.

Về lưới điện, hiện còn 3 trạm biến áp 110kV tại  Khánh Hòa chưa khôi phục; 8% công suất tải lưới điện trung, hạ thế tỉnh Phú Yên, 10% công suất tải lưới điện trung, hạ thế tỉnh Khánh Hòa và một vài khu vực còn bị ngập thuộc các tỉnh Thừa Thiên -Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Trước tình hình khẩn cấp, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai kiến nghị Thủ tướng quyết định hỗ trợ khẩn cấp 3.400 tấn gạo cho các địa phương. Trong đó, Quảng Trị 200 tấn, Thừa Thiên-Huê 500 tấn, Quảng Nam 500 tấn, Quảng Ngãi 500 tấn, Bình Định 500 tấn, Phú Yên 500 tấn, Khánh Hòa 500 tấn, Đắk Lắk 200 tấn.

Các bộ cần kiểm tra, đề xuất hỗ trợ kịp thời về cơ số thuốc, hóa chất lọc nước, vắc xin, hóa chất khử trùng, phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và giống cây trồng.

Kiểm soát thực phẩm, vật liệu đội giá do mưa lũ

Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cũng cho biết, hiện cửa hàng xăng dầu đã bán hàng trở lại bình thường, trừ sự cố 1/32 cửa hàng xăng tại Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Về cơ bản các mặt hàng thiết yếu không tăng giá, riêng mặt hàng rau, củ, quả tăng 3-25% có nơi tăng 30-40% (Quảng Nam), gạch ngói, tôn lợp tăng 5000 đồng/m2...

Tại hội nghị Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng yêu cầu, các bộ ngành, địa phương, lực lượng khẩn trương cử các đoàn xuống giúp dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ để sớm ổn định cuộc sống.

Trong đó, phải sớm giúp dân sửa chữa nhà cửa, cấp điện trở lại an toàn, cấp gạo, thuốc men và các nhu yếu phẩm, không để bị đói, dịch bệnh, thiếu nước sạch để dụng…

Phó thủ tướng cũng yêu cầu  Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục toàn bộ hệ thống điện, đặc biệt là khu vực Khánh Hòa; điều hành nguồn hàng, cung cấp về các khu vực có biểu hiện tăng giá để ngăn chặn tình trạng lợi dụng tăng giá trục lợi, trong đó phối hợp với Bộ Xây dựng để kiểm soát giá vật liệu xây dựng.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời xuống các tổ chức tín dụng việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng lưu ý, hồ đập thủy điện và thủy lợi hiện đã đầy nước, nguy cơ mất an toàn rất cao, trong bối cảnh, mưa lũ còn phức tạp nên cần giải pháp ứng phó kịp thời.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, phối hợp với các bộ, ngành địa phương để triên hành trục vớt tàu chìm ở Bình Định, ngặn chặn sự cố tràn dầu.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.