Nhiều địa phương chưa làm triệt để quy định giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều địa phương chưa làm triệt để quy định giãn cách
TPO - Chiều 31/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Ban Chỉ đạo cũng đánh giá, có nhiều địa phương chưa làm triệt để quy định giãn cách.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận các nội dung thông tin liên quan đến việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trong khu vực này có xu hướng gia tăng, các địa phương nên tiếp tục thực hiện giãn các xã hội, thậm chí một số khu vực cần siết chặt thêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nên kéo dài thời gian giãn cách xã hội ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bởi các ca mắc ở đây vẫn có xu hướng tăng, chưa có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội còn chưa nghiêm, còn tình trạng người dân vẫn ra đường không cần thiết.

Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất, với diễn biến dịch thực tế tại từng địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh có thể nới lỏng từng vùng bên trong. Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu Tiểu ban giám sát dịch tiếp tục giám sát thật chặt chẽ diễn biến dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp, để phát hiện và báo cáo sớm nhất cho Ban Chỉ đạo khi các địa phương có dấu hiệu chuyển từ nguy cơ lên nguy cơ cao (áp dụng Chỉ thị 15), lên nguy cơ rất cao (áp dụng Chỉ thị 16) để kịp thời chỉ đạo các địa phương chống dịch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo đánh giá, mặc dù đã thực hiện giãn cách nhưng nhiều địa phương chưa làm triệt để. Ban Chỉ đạo thống nhất, khi đã thực hiện Chỉ thị 16 thì người dân không được di chuyển, đồng thời đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm, siết chặt quản lý người dân ra-vào địa bàn. Địa phương nào để người dân đi ra tỉnh ngoài phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố miền Nam.

Liên quan đến vấn đề người dân tự ý trở về quê, PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM và một số địa phương khác, mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 phải được đặt lên hàng đầu. Qua theo dõi, nhiều địa phương không kiểm soát được do người dân đi về tự phát. Trong số đó, có những người đã mắc COVID-19, trên đường đi lây nhiễm lẫn nhau. "Trong lúc này, người dân không nên tự ý trở về quê; nên ở lại và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội của chính quyền các địa phương, góp phần phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng", PGS Trần Đắc Phu nói.

Trước tình trạng này, Ban Chỉ đạo thống nhất, trên nguyên tắc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, không ai được ra khỏi vùng đang giãn cách, trừ mục đích công vụ và lý do đặc biệt - được chính quyền cho phép; do đó, các địa phương phải thực hiện thật nghiêm nguyên tắc này. Các địa phương không kiểm soát được tình hình, để người dân tự ý ra khỏi địa bàn, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. “Với trường hợp người dân đã ra tỉnh ngoài, các địa phương phải bố trí xe ô tô để đưa người dân về quê an toàn. Đặc biệt, tất cả các địa phương phải đảm bảo đời sống và trợ giúp y tế để người dân yên tâm thực hiện giãn cách”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.

Ưu tiên vắc xin cho vùng dịch để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất

Ban Chỉ đạo cũng nhất trí, trước tình hình dịch phức tạp ở TPHCM và các khu vực lân cận thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, cần tập trung vắc xin, ưu tiên cao nhất cho khu vực này có vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với UBND TPHCM rà soát lại, có điều chỉnh cần thiết về quy trình, thủ tục tiêm để tiêm vắc xin nhanh nhất. Đồng thời, khẩn trương xây dựng phương án tiêm vắc xin cho công nhân để sớm tổ chức lại sản xuất. Đặc biệt, tiêm đủ cho các đối tượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. “Bộ Y tế phải đảm bảo nguồn vắc xin, đảm bảo đúng tiến độ tiêm vắc xin do UBND TPHCM đề ra. Chúng ta phải sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, để người dân, người lao động, công nhân các doanh nghiệp tại TPHCM có thể sớm trở lại hoạt động”, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu.

“Đặc biệt, các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm đời sống, trợ giúp y tế để người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại công tác thống kê để cập nhật kịp thời số người mắc, tử vong do COVID-19 trên nguyên tắc công khai, minh bạch.

MỚI - NÓNG