Kiến nghị đóng cửa toàn bộ khu Zone 9

Kiến nghị đóng cửa toàn bộ khu Zone 9
TP - Trước tình trạng kinh doanh phức tạp tại Zone 9, số 9 Trần Thánh Tông, lãnh đạo UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xem xét cho dừng hoạt động kinh doanh buôn bán tại khu này nhằm tránh những hậu quả tương tự xảy ra.

> Khởi tố vụ cháy ở ‘khu ăn chơi tử thần’ Zone 9
> Tạm giữ 4 người điều tra vụ cháy Zone 9

Trao đổi với Tiền Phong chiều 21/11, ông Vương Quốc Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng cho biết: “Chúng tôi sẽ kiến nghị các cấp cho dừng hoạt động kinh doanh tại khu vực này để tránh xảy ra những bất ổn, phức tạp trong quản lý và cũng nhằm tránh những vụ việc xảy ra tương tư. Quan điểm của quận cũng sẽ xem xét dừng việc kinh doanh tại khu vực này. Phường đang yêu cầu các hộ kinh doanh ở đây tạm dừng kinh doanh”.

Ngày 21/11 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, các ngành liên quan về vụ cháy xảy ra tại quán bar Zone 9 làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; khẩn trương điều tra xử lý nghiêm, làm gương cho các tổ chức cá nhân trong công tác phòng cháy nổ trên địa bàn.

Theo lãnh đạo UBND phường Bạch Đằng, phường chỉ quản lý về mặt hành chính, an ninh trật tự trong khu vực, còn việc cấp phép cải tạo, xây dựng, giấy phép kinh doanh như thế nào do cấp quận thực hiện.

“Về mặt quản lý rõ ràng với việc kinh doanh tại Zone 9 đông người nên rất phức tạp, hơn nữa khu nhà ở đây cũ kỹ. Là cơ quan hậu kiểm nhưng nói thật chỉ riêng việc kiểm tra ở khu vực này chúng tôi phải mất mấy ngày liền vẫn không hết, vì hiện có khoảng trên 34 hộ kinh doanh tại đây”, vị lãnh đạo phường lý giải.

Theo phản ánh của những hộ dân sống cạnh Zone 9, điều mà nhiều người dân ở đây khó hiểu là khu nhà xưởng rộng trên 11.000m2 tại số 9 Trần Thánh Tông này Thành phố Hà Nội giao thực hiện dự án xây dựng khu trung tâm trưng bày sản phẩm, văn phòng làm việc lại được cho thuê lại mặt bằng để kinh doanh, mà chính quyền sở tại không hề có một thông báo nào.

“Chúng tôi không biết khu nhà xưởng cũ kỹ được quản lý thế nào, chỉ biết rằng, một doanh nghiệp tên Bình An vẫn chưa thực hiện dự án mà lại được cho thuê để kinh doanh. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh với phường về tình trạng kinh doanh buôn bán ở đây gây ồn ào làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh”, ông Long- một người dân cho biết.

Theo một cán bộ Sở TN-MT Hà Nội, khi sử dụng khu nhà vào mục đích khác với công năng ban đầu thì phải xin phép cơ quan chức năng và được chấp thuận.

“Chủ đầu tư nếu được thành phố giao thực hiện dự án thì phải làm đúng quy hoạch được duyệt, anh không thể để hoang không thực hiện mà lại đem cho thuê mặt bằng để kinh doanh. Trách nhiệm quản lý vấn đề này thuộc về chính quyền địa phương, trước hết là cấp phường rồi đến cấp quận”, vị cán bộ này phân tích.

Trả lời câu hỏi việc chính quyền sở tại để các doanh nghiệp cải tạo, cấp giấy phép kinh doanh ở một khu nhà cũ kỹ đã thuộc diện giải tỏa để làm dự án là đúng hay sai? Ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết: “Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm. Quan điểm của thành phố là kiểm tra, xử lý đúng quy định của pháp luật”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.