Kiến nghị cho các trường ĐH,CĐ ngoài công lập hưởng ưu đãi về thuế

Kiến nghị cho các trường ĐH,CĐ ngoài công lập hưởng ưu đãi về thuế
TPO - Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp mà không cần đến các điều kiện bổ sung ghi trong Danh mục.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc kiến nghị liên quan đến truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

Hiện, Bộ Tài chính có soạn thảo Thông tư thực hiện Nghị quyết của Chính phủ liên quan đến việc tạm dừng thực hiện giải pháp chưa truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở thực hiện xã hội hoá.

 Hiệp hội kiến nghị Chính phủ chỉ thị cho Bộ Tài chính xem xét để tiếp tục dừng chưa truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở xã hội hóa – đặc biệt đối với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho đến khi xây dựng và ban hành được Danh mục lĩnh vực, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn mới.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng cho rằng việc xây dựng Danh mục mới cũng cần tính đến xu thế chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo hiện nay, vì khi đó các định mức về giảng viên, đất đai, cơ sở vật chất không còn như mô hình đào tạo truyền thống nữa. Trong Nghị định của Chính phủ về chính sách ưu đãi xã hội hóa, ngoài việc quy định các cơ sở xã hội hóa cần thuộc Danh mục các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng quy định, còn nêu rõ trách nhiệm của nhà nước hỗ trợ về đất đai, cơ sở vật chất cho các trường ngoài công lập. Hiện nay không phải trường ĐH, CĐ ngoài công lập nào cũng được hỗ trợ về đất đai, cơ sở vật chất.

Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh Nghị định này theo tinh thần là nếu áp dụng Danh mục để hưởng ưu đãi thì bản thân các trường cũng phải được ưu đãi về đất đai và cơ sở vật chất từ nhà nước. Sau khi Chính phủ ban hành Danh mục mới, việc truy thu thuế (nếu có) cần được áp dụng theo Danh mục mới cho thời gian trước đó, chứ không dùng lại Danh mục cũ có nhiều tiêu chí không hợp lý ở thời điểm ban hành.

Tất cả các trường đại học cao, đẳng ngoài công lập đều đã được được xem xét các điều kiện cần đáp ứng khi thành lập và cấp phép hoạt động. Hàng năm quy mô đào tạo, tuyển sinh của các trường đều xác định dựa trên nguồn lực cụ thể về cơ sở vật chất và giảng viên, và được kiểm soát bởi các bộ ngành chức năng.

Bởi thế Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp mà không cần đến các điều kiện bổ sung ghi trong Danh mục. Điều này cũng thể hiện rõ quan điểm ưu tiên cho giáo dục đào tạo đã được ghi trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trước đó, theo Dự thảo Thông tư truy thu thuế xã hội hóa của Bộ Tài chính soạn thảo, việc ưu đãi hay truy thu sẽ dựa vào việc các cơ sở thực hiện xã hội hoá đáp ứng hay không các nội dung trong Danh mục ban hành theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg năm 2008, sửa đổi bổ sung theo các Quyết định số 693/QĐ-TTg năm 2013 và Quyết định số 1470/QĐ-TTg năm 2016.

Với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, tiêu chí bất hợp lý nhất là định mức 55m2 đất/sinh viên quy định trong Quyết định số 1466/QĐ-TTg năm 2008. Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 693/QĐ-TTg năm 2013 bổ sung tiêu chí 2m2 sàn xây dựng/sinh viên. Đến năm 2016, Quyết định số1470/QĐ-TTg sửa đổi một số nội dung Quyết định số 1466/QĐ-TTg năm 2008 không nhắc gì tới giáo dục đại học, cao đẳng, chỉ sửa một số nội dung liên quan đến trường mẫu giáo, trường phổ thông, trung tâm ngoại ngữ tin học, và kết luận "các nội dung khác tại Danh mục chi tiết ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng chính phủ không được sửa đổi bổ sung tại Quyết định này thì vẫn còn hiệu lực thi hành". 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.