>Đắk Lắk họp bất thường, bầu Chủ tịch UBND tỉnh
>Ông Lữ Ngọc Cư thôi chức Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk
Ngày 21-2, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, tổ chức kỳ họp thứ 7 - kỳ họp bất thường, để lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và bầu bổ sung thành viên Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang khóa VIII đã chấp nhận đơn từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 của ông Đặng Công Huẩn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh để nhận nhiệm vụ mới là Bí thư Huyện ủy Tân Hiệp theo Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang.
Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã xem xét tờ trình của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh về bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh khóa VIII.
Hội đồng Nhân dân tỉnh đã bỏ phiếu, tín nhiệm bầu ông Mai Văn Huỳnh, sinh năm 1965, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Hà Tiên giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 và bầu bổ sung chức danh Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với ông Ngô Quang Thắm, Giám đốc Sở Nội vụ Kiên Giang.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh đã chia tổ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, tập trung vào Chương I quy định về Chế độ chính trị; Chương I về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chương IV về Bảo vệ Tổ quốc và Chương VIII quy định về Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân.
Các đại biểu khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu, quyết định thắng lợi trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đối với chương II, Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các đại biểu bổ sung: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo được nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận được bình đẳng trước pháp luật”, “Công dân Việt Nam bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình,” “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội với điều kiện đủ tư cách công dân và không vi phạm pháp luật.”
Đối với Chương VIII quy định về Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, các đại biểu cho rằng cần nhấn mạnh nhiệm vụ của Tòa án Nhân dân không những bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà còn phải bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Theo Vietnamplus