Ngày 2/7, bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, mỗi ngày có từ 80 -–100 người đến bệnh viện điều trị vì bị kiến ba khoang đốt gây viêm da tiếp xúc dị ứng.
Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu, TPHCM cho biết, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang biểu hiện là thương tổn hồng ban, hơi phù nề, mụn nước, mụn mủ, gây đau nhức và rát ở trên bề mặt da và có nguy cơ lây lan rộng khi bệnh nhân đụng vào vết thương rồi chạm vào các vị trí khác trên người.
Khi vết thương lan rộng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây ra tình trạng nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, trong quá trình điều trị, bệnh nhân được cho thuốc dị ứng và thuốc thoa tại chỗ, có tác dụng làm dịu da và kháng khuẩn.
Bên cạnh đó, một số cơ địa, đặc biệt là người suy giảm miễn dịch thì vết thương sẽ lâu lành hơn và người có cơ địa đặc biệt, nhạy cảm thì chỉ cần kích ứng nhỏ cũng gây phản ứng nặng cho cơ thể.
Theo bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, vấn đề điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không khó. Tuy nhiên, nếu không đúng cách có thể gây nặng hơn, nhiễm khuẩn thứ phát là loét toàn thân.
Nếu không may bị kiến ba khoang đốt, người dân nên rửa sạch vết thương, hạn chế vết thương lây lan. Đồng thời, có thể điều trị với các dung dịch làm dịu da, thuốc kháng sinh… Nếu diện tích da bị viêm lan rộng thì nên đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và xử trí thích hợp.
Người dân khi gặp kiến ba khoang thì không nên giết tránh làm dịch trong kiến lan ra, dễ dính và da gây tổn thương.
Bác sĩ cũng khuyến cáo khu vực có kiến ba khoang nên hạn chế mở cửa, buông rèm cửa để phòng côn trùng bay vào nhà hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng...