Kiểm tra lại toàn bộ tính pháp lý của dự án Formosa

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông tin về Formosa cho báo chí.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông tin về Formosa cho báo chí.
TP - Liên quan đến dự án Formosa, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang giao cho Bộ Tư pháp kiểm tra toàn bộ tính pháp lý của dự án. Đồng thời, giao cho Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT rà soát tất cả những gì liên quan đến quy trình, thủ tục đầu tư, quá trình cấp phép, quá trình cấp xả thải của các cơ quan chức năng cho dự án Formosa.

Xem chất thải độc hại còn chôn ở đâu nữa

Trong chất bùn thải của Formosa chôn ở Kỳ Anh có chất nguy hại là Xyanua. Vậy việc Công ty môi trường Kỳ Anh và Formosa vi phạm sẽ xử lý thế nào. Hiện có thông tin ở nhiều điểm khác cũng có việc chôn chất thải độc hại, Bộ sẽ rà soát, xử lý ra sao?

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT: Chúng tôi đã có thông cáo đến các cơ quan báo chí về kết quả phân tích bùn thải, chất thải của Formosa. Cũng may chúng ta phát hiện sớm, nên môi trường ở các địa điểm này vẫn đạt quy chuẩn.

Chúng tôi đánh giá đây là vi phạm rất nghiêm trọng nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an Hà Tĩnh điều tra theo hành vi có tổ chức, cố ý, xử lý nghiêm theo quy định.

“Việc cấp giấy phép đầu tư 70 năm, cùng việc cho thuê đất 70 năm, toàn bộ thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải của địa phương”. 

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà

Bộ sẽ kiểm kê lại toàn bộ chất thải của Formosa, kể cả số lượng vừa thu gom, số đang lưu giữ và cả các hợp đồng đã ký kết. Chúng tôi cũng sẽ xem xét chất thải này còn ở đâu nữa không, còn doanh nghiệp nào nữa không. Chúng tôi đang yêu cầu kiểm tra rất chặt chẽ dựa trên số liệu thống kê về chất thải của Formosa.

Ngoài ra, việc Formosa thực hiện không đúng việc phân loại, kiểm đếm chất thải này, khi cung cấp cho một nhà xử lý không đủ năng lực thì đây cũng là vi phạm. Chúng tôi yêu cầu Formosa báo cáo trực tiếp với Bộ. Chúng tôi cũng đã tăng cường hai phòng thí nghiệm di động để kiểm soát toàn bộ hoạt động của Formosa.

Địa phương không có thẩm quyền cho thuê đất 70 năm

Việc cho Formosa thuê đất 70 năm đang gây ra rất nhiều băn khoăn. Xin hỏi, nếu việc này mà trái pháp luật thì sẽ xử lý thế nào? Có thu hồi giấy phép không?

Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Trong Luật Đầu tư hiện hành đã quy định về tạm ngừng, ngừng hoạt động của các dự án đầu tư. Theo đó, có 5 trường hợp sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tạm ngừng, ngừng hoạt động dự án trong đó có một trường hợp là để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước. Trường hợp nhà đầu tư không có khả năng khắc phục thì cũng sẽ bị chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đối với Luật Đất đai 2003 và 2013, việc cho thuê đất đối với các nhà đầu tư theo các tiêu chí như khu vực khó khăn, khó thu hút đầu tư, đối tượng như ở Hà Tĩnh, thì được ưu tiên. Như vậy, kể cả Luật Đất đai 2003 và 2013 thì thẩm quyền cho thuê đất đối với UBND tỉnh, thành phố được 70 năm. 

Tuy nhiên như đại diện KH&ĐT đã nêu, với việc cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài theo Luật Đầu tư 2014, thẩm quyền của UBND tỉnh chỉ được 50 năm, còn trên 50 năm thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Trong trường hợp các bạn nêu, việc này Thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra, kiểm tra rồi. Việc cấp giấy phép đầu tư 70 năm, cùng việc cho thuê đất 70 năm, toàn bộ thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải của địa phương.

Làm rõ giá trị việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG

Cơ sở nào để quyết định thanh tra vụ MobiFone mua lại AVG. Thanh tra sẽ tập trung vào nội dung gì, thời điểm nào và quá trình diễn ra bao lâu?

Ông Mai Tiến Dũng: MobiFone là doanh nghiệp viễn thông hàng đầu, cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện quá trình cổ phần hóa. Việc mua cổ phần nêu trên là hoạt động đầu tư lớn của doanh nghiệp, cho nên cũng rất cần có sự cẩn trọng. Ngày 22/7, Văn phòng T.Ư Đảng có văn bản thông báo ý kiến của Thường trực Ban Bí thư giao Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. 

Thủ tướng cũng đã giao cho Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký văn bản cho Thanh tra Chính phủ thực hiện. Đây là những chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ, việc thanh tra cái gì và thanh tra thế nào thì đây là chỉ đạo từ T.Ư Đảng và Thủ tướng. Sau này có kết quả thanh tra mới công bố.

Có thông tin AVG giá trị chỉ khoảng hơn 2 nghìn tỷ, nhưng MobiFone mua lại giá lại đến hơn 8 nghìn tỷ, xin biết thông tin chính thức?

Ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT-TT: Giá bao nhiêu có các cơ quan thẩm định giá của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sẽ thẩm định. Chúng ta không thể dự đoán được, phải thông qua cơ quan định giá. Việc mua đó liên quan đến đàm phán giữa các đối tác với nhau.

Việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh tại Bộ Công Thương, tại tỉnh Hậu Giang được xác định đều qua khâu chuẩn bị, thẩm tra hồ sơ của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng khi đó là không thêm cấp phó cho tỉnh Hậu Giang lại được bỏ ra ngoài hồ sơ. Vậy đây có phải là một biểu hiện “phớt lờ” lệnh của Thủ tướng, cho thấy có sự cát cứ trong công tác cán bộ ở Bộ Nội vụ?

Ông Mai Tiến Dũng: Đây là sự việc điển hình cho những tồn tại, bất cập kéo dài trong công tác cán bộ, cần phải được xử lý, chấn chỉnh, đặc biệt cần điều tra, xem xét rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo, Thủ tướng cũng đã giao Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bộ Nội vụ kiểm tra xác định đúng - sai trong vụ việc theo đúng quy định pháp luật của nhà nước về công tác tiếp nhận, giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. 

Bộ Nội vụ đang tiến hành làm việc. Các cơ quan của Bộ Nội vụ cũng đang tiến hành kiểm điểm hoạt động của mình. Nhưng phải nói rằng, công tác cán bộ được thực hiện nghiêm minh xem xét rất kỹ. Bất cứ cá nhân nào vi phạm công tác bổ nhiệm, đề bạt… cán bộ đều bị xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Phân bổ tiền bồi thường đúng mục đích, đối tượng

Chiều 2/8, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ, ngành địa phương liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Chú trọng việc phân bổ, thanh toán tiền bồi thường của Formosa đến người dân, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và theo đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu Formosa thực hiện nghiêm các cam kết.

Nhấn mạnh vụ tin tặc tấn công vào hệ thống thông tin ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua là hết sức nghiêm trọng; Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp,... cần đặc biệt quan tâm làm tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng; không chủ quan, mất cảnh giác với loại hình tội phạm này.                

V.K

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.