Kiểm soát người nước ngoài để chống dịch Covid-19: Đến từng nhà, rà từng hộ

Tổ công tác phường Mễ Trì đến kiểm tra y tế với một gia đình Hàn Quốc trên địa bàn
Tổ công tác phường Mễ Trì đến kiểm tra y tế với một gia đình Hàn Quốc trên địa bàn
TP - Làm việc bất kể giờ giấc, ngày nghỉ đã trở thành thói quen trong 2 tháng gần đây của y bác sĩ trạm y tế phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nơi có gần 4.500 người Hàn Quốc sinh sống.

11 giờ đêm, chị Ngô Thị Len dù đang ngủ cũng thức dậy nghe điện thoại. Với chị Len, từ tháng 1/2020 đến nay, chị luôn trong tinh thần làm việc bất kể giờ giấc. “Cứ có điện thoại báo tin là chúng tôi phối hợp với cơ quan công an, cùng tổ dân phố, ban quản lý đến kiểm tra ngay trường hợp đó. Việc kiểm tra cần kịp thời để tránh trường hợp xấu xảy ra không kiểm soát được”, chị Len nói. Chị Len là một trong 8 y bác sĩ thuộc Trạm Y tế phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm - nơi có đông cư dân Hàn Quốc nhất Thủ đô. 

Mấy ngày nay, bác sĩ Nguyễn Hữu Giáp, Phó Trưởng trạm Y tế phường Mễ Trì làm việc không ngơi tay. Là người địa phương, bác sĩ Giáp nắm rõ từng đơn vị địa bàn, tổ dân phố vì thế có lợi thế hơn trong công việc.

Tuy nhiên, số lượng người Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc luôn biến động khiến công việc của anh gặp nhiều khó khăn. Mễ Trì có 4.436 người Hàn Quốc; 91 người Nhật Bản; 115 người Trung Quốc… (số liệu hết ngày 25/2). Trong đó, phường chia ra thành 3 loại hình: Tạm trú dài hạn, tạm trú ngắn hạn và mới đến. Riêng với những người tạm trú dài hạn, làm việc lâu dài trên địa bàn là 3.164 trường hợp, 1.272 trường hợp ngắn hạn nhưng cũng đã qua 15 ngày ở Việt Nam. Các trường hợp mới đến, việc rà soát được làm cẩn thận như lời bác sĩ Giáp nói, “đến từng nhà, rà từng hộ. Rà thủ công như vậy mới đảm bảo không bỏ lọt”.

Có mặt tại một tòa chung cư trên địa bàn Mễ Trì, các y bác sĩ của trạm y tế kiểm tra từng chi tiết nhỏ của tòa nhà. Cơ sở này thực hiện rất tốt việc khử khuẩn hành lang, thang máy, nước rửa tay sát trùng từng lối ra vào hay các thông tin bằng tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc, tiếng Anh được in rõ ràng, dán ở sảnh, thang máy.

Ở chung cư này những nút bấm thang máy được bọc một lớp màng ni lông, để thuận tiện khử khuẩn và thay mới. 

Tổ công tác đi gồm 12 người, đến từng hộ diện mới nhập cảnh vào Việt Nam đo thân nhiệt, tuyên truyền cho họ ý thức về dịch bệnh, những việc cần làm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Dù đã liên lạc trước, có ban quản lý thông báo nhưng nhiều hộ không ở nhà khiến cho đoàn mất khá nhiều thời gian.

Có những hộ người Hàn Quốc ngại tiếp xúc với đoàn công tác, đưa ra lý do: Chưa chuẩn bị tinh thần hay lý do nào đó. Đoàn công tác lại tiếp tục thuyết phục, chờ đợi đến khi được chấp nhận. 
Không chỉ các khu chung cư, người nước ngoài còn thuê ở các khách sạn nhỏ, chung cư mini. Có những nơi tìm không nổi người phiên dịch. Các bác sĩ nghĩ ra phiếu khảo sát 3 thứ tiếng, đến chỉ việc chỉ vào các ô để đánh dấu, rất tiện lợi.

Theo bác sĩ Giáp, việc rà soát từng hộ mới đến là cần thiết khi thông báo của Cục Xuất nhập cảnh đôi khi không đồng nhất với thực tế. Như hôm nay, Công an thành phố gửi danh sách nhập cảnh về là 51 trường hợp, khi rà soát nhiều lần thì chỉ có 21 trường hợp. Bởi có trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam nhưng không về nơi lưu trú.

Công việc tiếp xúc với người nước ngoài đôi khi cũng gặp những phản ứng gay gắt. Như trường hợp của một người Trung Quốc thuộc diện phải cách ly, ban đầu người này đã tỏ ra không hợp tác. Đến khi tổ công tác đọc biên bản yêu cầu cách ly thì anh này tức giận giằng biên bản đòi xé. Người này cho rằng, đang có việc làm không thể bỏ, và giấy tờ này không có căn cứ pháp lý. Ngay trong ngày hôm đó, cơ quan chức năng gấp rút đi dịch thuật, công chứng biên bản để kịp thời đưa lại cho người Trung Quốc trên. “Sau khi có biên bản tiếng Trung, cùng sự thuyết phục của tổ công tác, người này mới chịu cách ly 14 ngày theo đúng quy định”, bác sĩ Giáp nói.

Tổ công tác đi gồm 12 người, đến từng hộ diện mới nhập cảnh vào Việt Nam đo thân nhiệt, tuyên truyền cho họ ý thức về dịch bệnh, những việc cần làm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

MỚI - NÓNG