Kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức

Kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức
Đó là vấn đề "nóng" của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng, được tập trung "mổ xẻ" trong ngày làm việc đầu tiên (2/8) của đại biểu dự Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6.
Kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức ảnh 1
Chủ tịch Nguyễn Văn An: Đây là lần đầu tiên văn kiện Đại hội Đảng lấy ý kiến Quốc hội

Đề cương gợi ý thảo luận, lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Luật này cũng là những nội dung cơ bản mà các đại biểu chuyên trách tập trung “mổ xẻ”...

Kê khai tài sản: Vẫn vướng

Quy định “nhạy cảm” của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập (điều 39) đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Đây cũng là vấn đề có nhiều phương án nhất mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội. 

Trong số 3 phương án được đưa ra, đa số ý kiến tại Hội nghị đồng tình với việc bên cạnh quy định người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình, thì còn phải kê khai cả tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con.

Vấn đề còn nhiều ý kiến trái ngược nhau là kê khai hay không kê khai “vợ hoặc chồng và con trong cùng sổ hộ khẩu”. Đại biểu Hoàng Văn Lợi (Bắc Giang) nghiêng về phương án 3 là phương án giới hạn kê khai “cùng sổ hộ khẩu”. Ông Lợi cho rằng phương án này là “vừa phải” vì xã hội hiện đại khi con cái đã “tách khẩu” ăn nên làm ra thì không nên miễn cưỡng đưa vào diện kê khai.

Với bài học từ sự kiện “Cty một nhà” ở Cty Điện lực TPHCM vừa qua, đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) thì kiên quyết: “Việc kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con nhất thiết không được phân biệt trong hay ngoài hộ khẩu”.

Đại biểu Hoàng Văn Minh (Nghệ An) cho rằng: “Kê khai tài sản để phòng, chống tham nhũng chỉ là biện pháp tình thế. Về lâu dài phải kiểm soát được thu nhập của cán bộ, công chức”.

“Hiện nay đã có chủ trương về đảng viên làm kinh tế tư nhân. Như vậy có nghĩa dù đảng viên hay quần chúng thì làm giàu chính đáng đều tốt. Vậy kê khai không có gì phải ngại nếu tài sản minh bạch. Vấn đề là kê khai thì dễ, nhưng công khai thế nào?” - Đại biểu Huỳnh Thu Vân (An Giang) đặt vấn đề.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Bắc (Phú Thọ) thì đưa ra nhận xét: “Lâu nay chưa thấy có vụ án tham nhũng nào được phát hiện bằng biện pháp kê khai tài sản”.

Ai “chỉ đạo” Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng?

Văn kiện Đại hội Đảng X sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội

“Các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng X sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội (QH) tại kỳ họp tới” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho biết. Theo Chủ tịch “đây là lần đầu tiên văn kiện Đại hội Đảng lấy ý kiến Quốc hội”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng khẳng định: “Hội nghị này là bước chuẩn bị quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng xây dựng các dự án Luật, nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động Quốc hội. Sắp tới cần nâng gấp đôi số đại biểu chuyên trách. Sao cho số đại biểu chuyên trách trong QH phải ngang bằng số đại biểu kiêm nhiệm”. 

Đối với 2 phương án về Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách không đồng tình với phương án 2, là thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng ở 2 cấp. Cấp TW do Thủ tướng đứng đầu và cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu.

Đại biểu Hoàng Thiện Cát (Hưng Yên) cho rằng cả nước chỉ nên có một Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, không nên đặt ra Ban này ở địa phương vì: “Ông Chủ tịch tỉnh mà làm trưởng ban phòng chống tham nhũng ở địa phương mình là việc... buồn cười, vì thông thường chính ông Chủ tịch phải là đối tượng chịu sự giám sát của một cái Ban như vậy”.

Cũng mạch quan điểm hạn chế tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) phát biểu: “Tham nhũng thường xuất phát từ bộ máy Nhà nước, vậy nên để một cơ quan phòng chống tham nhũng nằm trong bộ máy Nhà nước thì e rằng không hiệu quả.

Kinh nghiệm Thái Lan cho thấy cơ quan phòng chống tham nhũng do Thủ tướng lập thì chính cơ quan này đã tự nâng lương cho mình và đi đến thất bại. Tôi đề nghị một cơ quan đặc trách chống tham nhũng”.

Đại biểu Hoàng Văn Minh thì cụ thể hơn: “Nên thành lập một ủy ban ở Quốc hội về phòng chống tham nhũng để giám sát những hoạt động phòng chống tham nhũng của chính quyền”.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Bắc thì cho rằng: “Công việc thiết thực nhất trong bối cảnh hiện nay là thành lập bộ phận điều tra chống tham nhũng trong cơ quan điều tra”.

Do tính chất nghiêm trọng được ví như “giặc nội xâm” của tội phạm tham nhũng, nhiều đại biểu đã đề nghị lấy tên dự thảo Luật này là “Luật Chống tham nhũng” để thể hiện thái độ rõ ràng, kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Đồng thời các đại biểu cũng cho rằng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, không giới hạn trong “khu vực Nhà nước”, mà mở rộng điều chỉnh cả hành vi lợi dụng chức vị, quyền hạn để vụ lợi của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ngoài khu vực Nhà nước.

Lý giải cho sự cần thiết của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nhân (Kiên Giang) đề cập đến vụ “bê bối” vừa qua ở VNPT có liên quan đến “đơn vị ở ngoài khu vực Nhà nước” do Nguyễn Lâm Thái làm giám đốc: “Bây giờ sự móc nối làm ăn giữa trong và ngoài rất ghê nếu chúng ta không mở rộng thì sẽ bỏ lọt trận địa”.

Các đại biểu cũng đề cập đến việc tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng, theo đó đại biểu Hoàng Văn Minh đề nghị có cơ chế trích thưởng cho người trình báo tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Thị Bắc cho rằng chính sách hình sự đối với người đưa hối lộ cần thông thoáng hơn để phát huy hiệu quả của việc trình báo hành vi tham nhũng.

Hôm nay, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng, và dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu

Trao đổi với phóng viên báo Tiền phong bên lề Hội nghị, ông Quách Lê Thanh - Tổng thanh tra Chính phủ, cho biết trách nhiệm của người đứng đầu sẽ được quy định cụ thể trong văn bản dưới Luật.

Được biết trong nội dung dự thảo sẽ có hai phương án; Quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong trường hợp để người mà mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ thực hiện hành vi tham nhũng liên quan tới công vụ, nhiệm vụ được giao; bên cạnh đó cũng có phương án quy định trách nhiệm chung, trách nhiệm trực tiếp và trách nhiệm liên đới khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Về việc mới đây ông Mai Văn Dâu bị khởi tố về tội nhận hối lộ, ông Thanh cho biết nếu dự thảo Luật được thông qua thì với những sự việc tương tự trong tương lai nhất định là bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, còn trách nhiệm đến đâu là do “Quốc hội quy định”.   

MỚI - NÓNG