Kiểm soát chặt dịch bệnh có thể lây từ động vật sang người

TPO - “Nhân loại đang phải đối mặt với mối lo ngại mới về khả năng bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là những loại bệnh có thể lây từ động vật sang người. Vì thế, phối hợp đa ngành, hợp tác đa phương là phương pháp tiếp cận tối ưu để đảm bảo an toàn cho hành tinh và sức khỏe cho cộng đồng”.

Đó là chia sẻ của ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tại Diễn đàn cấp cao thường niên về Một sức khỏe Phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (MSK) diễn ra sáng 10/12.

Diễn đàn do ông Phùng Đức Tiến, ông Lê Đức Luận - Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng bà Aler Grubs - Giám đốc quốc gia Cơ quan quốc tế phát triển Mỹ và bà Martina Stepheny - Giám đốc cấp cao tổ chức FPI đồng chủ trì.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, ông Tiến cho biết: “Thời gian qua, tình hình kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trước bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp, Y tế và Tài nguyên - Môi trường đã tích cực, chủ động lồng ghép các chương trình và hoạt động MSK vào chiến lược và hành động của ngành để triển khai phòng, chống dịch bệnh. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường sau thiên tai cũng là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm ổn định đời sống người dân.

Bên cạnh đó, nhân loại đang phải đối mặt với mối lo ngại mới về khả năng bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là bệnh có thể lây từ động vật sang người. Khi đại dịch xảy ra ở bất kỳ đâu, việc huy động phối hợp đa ngành, hợp tác đa phương là kim chỉ nam cho công tác phòng - chống dịch bệnh. Do đó, MSK là phương pháp tiếp cận tối ưu để đảm bảo an toàn cho hành tinh và sức khỏe cho cộng đồng”.

Báo cáo kết quả hoạt động trong năm qua, đại diện Cục Thú Y, Bộ NN&PTNT cho biế, đơn vị đã tích cực xét nghiệm, giám sát dịch bệnh và khi dịch bệnh nổ ra đã tiến hành kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh.

Cụ thể, với bệnh cúm gia cầm, trong năm 2024, Cục Thú y đã phát hiện 14 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 9 tỉnh và tiến hành tiêu hủy 97.999 con gia cầm. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã khiến số lượng ca lây nhiễm sang người rất ít, cụ thể, chỉ có 1 ca tử vong do cúm gia cầm A/H5N1, 1 ca mắc cúm gia cầm A/H9N2, 1 ca mắc cúm lợn chủng H1N1.

Về bệnh dại, trong năm 2024 đã phát hiện 256 ổ dịch tại 36 tỉnh, thành phố, tiến hành tiêu hủy 628 con. Tính đến tháng 12, có 82 người tử vong do lây bệnh dại từ động vật.

Đặc biệt, trong năm qua, đơn vị đã tiến hành xử lý ở dịch cúm A/H5N1 trên động vật hoang dã. Trong tháng 8 - 9 đã có 47 con hổ, 3 con sư tử, 1 con báo đen chết do dịch bệnh tại Long An và Đồng Nai.

Ngoài ra, Cục Thú y còn tiến hành giám sát, xét nghiệm một số loại virut trên các loài động vật khác, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các mầm bệnh lây từ động vật mới vào Việt Nam, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lây từ động vật, từ đó cải thiện hệ thống giám sát bệnh dịch trên động vật.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Y tế và đối tác quốc tế để thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực thuộc MSK trong mối tương tác giữa con người, thực vật, động vật và môi trường sinh thái.

Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: T. Huyền

Đại diện cả 3 bộ đồng chủ trì khung đối tác đều khẳng định cam kết với các hoạt động MSK tại Việt Nam, tiếp tục nâng cao công tác điều phối đa ngành, hỗ trợ về quy trình, thủ tục cho những hoạt động, chương trình, dự án và lĩnh vực hợp tác về MSK với các đối tác quốc tế và trong nước. Đồng thời, đại diện các bộ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của đối tác quốc tế và trong nước đã tập trung nguồn lực chung tay cùng Chính phủ Việt Nam phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi tháng 9 vừa qua.