Kiểm ngư sẽ sát cánh bảo vệ ngư dân

Ngư dân cần sự hỗ trợ của lực lượng kiểm ngư trong những chuyến biển nhiều rủi ro. Ảnh: Nguyễn Thành.
Ngư dân cần sự hỗ trợ của lực lượng kiểm ngư trong những chuyến biển nhiều rủi ro. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - Trước diễn biến nhiều tàu cá Trung Quốc đe dọa ngư dân Việt, lực lượng kiểm ngư sẽ sát cánh chặt chẽ hỗ trợ ngư dân khi có hoạn nạn, “đặc biệt tại những ngư trường trọng điểm như Trường Sa, Hoàng Sa, DK1”-  ông Lưu Quang Huy, Cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam khẳng định với PV Tiền Phong.

Nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm

Thưa ông, gần đây, ngư dân Việt Nam liên tục bị tàu Trung Quốc uy hiếp, tấn công, gây tổn hại về tài sản, đe dọa tính mạng, ảnh hưởng tâm lý ra khơi của ngư dân?

Chúng tôi đã hướng dẫn tới các địa phương và bà con, việc lệnh cấm đánh bắt cá vô lý do Trung Quốc đưa ra là đơn phương, bà con cứ đánh bắt trên ngư trường truyền thống bình thường. Chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng chấp pháp khác của ta trên biển, tuyên truyền bà con đánh bắt trên ngư trường truyền thống ở những tọa độ cho phép, không nên đi sâu vào các đảo hiện phía ngoài chiếm giữ ở quần đảo Hoàng Sa. Theo quan sát của lượng kiểm ngư, một số tàu cá của bà con ngư dân ta, trong đó Quảng Ngãi đi sát vào các đảo do lực lượng quân đội, hải quân nước ngoài nắm giữ.

Thực tế, không chỉ tấn công tàu cá Việt Nam, nhiều tàu cá Trung Quốc còn lấn sâu, xâm phạm vào vùng biển nước ta?

Thời gian qua, có một số tàu cá Trung Quốc, trong đó có cả tàu giả dạng tàu cá nước này xâm phạm vùng biển chủ quyền nước ta. Lực lượng kiểm ngư đã phối hợp, tổ chức xua đuổi những tàu vi phạm. Còn tàu cá vi phạm bắt được, chúng tôi đều lập biên bản và phóng thích. Ở đây, phải nói rõ, chúng tôi xử lý trên tinh thần nhân đạo của chính phủ Việt Nam, chứ không phải không có thẩm quyền.

Có ý kiến cho rằng, gần đây, lực lượng Kiểm ngư xuất hiện ít hơn ở các ngư trường trọng điểm?

Theo Cục Kiểm ngư, khi gặp sự cố ngư dân có thể gọi đến đường dây nóng theo số 04.62737323 (trực 24/24). 

Tham gia bảo vệ chủ quyền, ngư dân có nhiều lực lượng, trong đó có kiểm ngư. Từ tháng 5 năm ngoái, khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981, lực lượng kiểm ngư tham gia, hỗ trợ tối đa vào khu vực đó. Sau đó, chúng tôi phải rút về thực hiện nhiệm vụ ở các vùng khác.

Chúng tôi đang đào tạo, tập huấn lực lượng, cùng tham gia bảo vệ ngư dân ở ngư trường Trường Sa và sát Hoàng Sa, DK1 của Việt Nam; phối hợp với các lực lượng khác xây dựng Chi cục Kiểm ngư vùng V (Kiên Giang). Hiện vùng biển khu vực phía Nam, giáp với Campuchia, Thái Lan... chúng tôi đang tăng cường ở đây, túc trực, hỗ trợ ngư dân. Do vậy, lực lượng Kiểm ngư có lúc không xuất hiện ở một số ngư trường là hoàn toàn bình thường.

Kiểm ngư sẽ sát cánh bảo vệ ngư dân ảnh 1

Ông Lưu Quang Huy, Cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam.

Tăng sức mạnh cho Kiểm ngư

Vừa qua, Việt Nam đã có đường dây nóng về nghề cá với các nước, trong đó có Trung Quốc, hiện hoạt động ra sao thưa ông?

Hiện chúng ta đã triển khai đường dây nóng về hoạt động nghề cá Việt Nam-Trung Quốc; ký thỏa thuận đường dây nóng với Philippines. Tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai hoạt động trên với Thái Lan, Campuchia, Myanmar.  Ngoài ra, chúng tôi đề nghị ký thỏa thuận hợp tác giữa lực lượng kiểm ngư các nước, sau đó nâng lên cấp bộ, Chính phủ.  Qua đường dây nóng, trong 6 tháng đầu năm đã xử lý 8 vụ việc phát sinh đột xuất trên biển, trong đó 5 vụ về sự cố tàu cá và ngư dân.

Một số thông tin khi ngư dân ta bị đau ruột thừa, tai nạn… nhưng khi thông báo, không thấy phía Trung Quốc phản hồi. Chúng tôi buộc phải phối hợp với đơn vị khác của ta để xử lý. Chúng tôi sẽ phản ánh tình trạng này lên cấp bộ, để thông báo với phía Trung Quốc.

Tình hình trên biển Đông đang diễn biến phức tạp, khiến ngư dân tăng rủi ro mỗi chuyến ra khơi. Lực lượng Kiểm ngư có giải pháp gì hỗ trợ ngư dân?

Chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng khác như Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, hỗ trợ bà con đánh bắt an toàn. Chẳng may có sự cố bất trắc, bà con có thể thông tin về đường dây nóng. Kiểm ngư sẽ cùng phối hợp, liên hệ với lực lượng chấp pháp của ta gần đó đến hỗ trợ.

Bà con cũng không nên sử dụng chất nổ, chất độc, và phương tiện đánh bắt hủy diệt để đánh bắt. Đề nghị bà con ra biển, cần đánh bắt đoàn kết theo tổ đội, cùng hỗ trợ, thông tin cho nhau về bờ, nhất là mùa mưa bão, cần bật các thiết bị liên lạc, thông tin hai chiều với Trung tâm thông tin của Cục Kiểm ngư để hỗ trợ bà con khi xảy ra sự cố.

Cục Kiểm ngư sẽ đóng thêm một số tàu mới để hỗ trợ bà con. Cùng đó, sẽ đầu tư  xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm kiểm ngư trong thời gian tới. Mỹ và một số nước đã hỗ trợ tàu tuần tra cho lực lượng kiểm ngư; Nhật cũng hỗ trợ một số tàu và chúng ta sẽ tiếp nhận từ nay đến cuối năm.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.