Không trực tiếp phân tích cụ thể các vấn đề tồn tại của doanh nghiệp Việt Nam nhưng bài thuyết trình kéo dài gần 2 tiếng ngày 8-12 với những gợi mở cụ thể về những trường hợp doanh nghiệp điển hình của Giáo sư Mark Kramer (đồng sáng lập Học thuyết “Tạo lập giá trị chung” cùng Giáo sư Michael Porter), đã khiến nhiều đại diện doanh nghiệp, cơ quan chức năng phải rất lưu tâm về một hướng đi mới của doanh nghiệp.
Theo GS Kramer, từ chính những giá trị chung mang lại cho xã hội mà doanh nghiệp đã tạo ra lợi nhuận rất lớn. Điển hình như hãng dược Novartis đã có chiến lược hết sức bài bản để đặt chân vào thị trường Ấn Độ khi đưa ra sáng kiến giúp giảm tỷ lệ bệnh tật cho người dân nghèo ở các làng xã của nước này, công ty West Consul ở Bangladesh do hai kỹ sư trẻ thành lập, sau khi phát hiện có rất nhiều khu dân nghèo không được thu gom rác và sống trong ô nhiễm môi trường, đã thuê những người thất nghiệp tại các khu nghèo đó thu gom rác thải để tái chế thành phân bón và khí gas tự nhiên. Sau 6 năm thu thập rác cho 3,5 triệu người dân, công ty kiếm được một khoản lợi nhuận khổng lồ.
Lãnh đạo hãng đã đề nghị Chủ tịch tập đoàn cho phép đưa 300 nhân viên y tế đến các làng xã của Ấn Độ dạy người dân chăm sóc y tế cơ bản đồng thời đào tạo miễn phí cho các bác sĩ ở địa phương về chuẩn đoán bệnh. Công ty dược cũng liên hệ với công ty di động để bác sĩ có thể cập nhật danh mục thuốc trên điện thoại di động khi kê đơn.
Sau 30 tháng, các trạm y tế đã trở thành các trung tâm cung cấp thuốc cho Novartis cho 50 trạm y tế ở làng xã và cho 40 triệu người dân nghèo. “Đó là những gì mà Novartis đã làm khi vượt qua khủng hoảng của thị trường để tìm ra cách bán hàng cho hàng triệu người nghèo tại những thị trường trước đó họ không tiếp cận được. Đây là cách mà Việt Nam có thể áp dụng vì dân số Việt Nam đang ở giai đoạn được đánh giá là tuyệt vời để tạo lập giá trị chung cộng đồng”- Ông chia sẻ.
Ông cho rằng, hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa nghĩ đến việc chia sẻ các giá trị chung như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển, đặc biệt là những công ty lớn ở các quốc gia đang phát triển. Các doanh nghiệp thường cố gắng đi đường tắt để cải thiện hoạt động. Họ thuê khoán để giảm giá thành và bán ngày càng nhiều hơn cùng một sản phẩm cho các khách hàng.
Cũng theo GS Mark Kramer, nếu các doanh nghiệp bỏ qua yếu tố làm việc vì cộng đồng thì đồng nghĩa họ đã bỏ qua cơ hội xây dựng thế mạnh cạnh tranh. Chương trình Phát triển ngành sữa của FrieslandCampina Việt Nam được ghi nhận như một hệ thống sản xuất sữa bền vững, là hình mẫu của việc “Tạo lập giá trị chung”, giúp phát triển năng lực, chính sách và thực hành cho các tổ chức, có lợi cho các hộ nông dân nhỏ.
“Thương mại công bằng là phải đưa nhiều tiền hơn cho người nông dân sản xuất. Doanh nghiệp nhỏ có lợi thể là rất gần gũi với người dân. Vì thế, những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của mình để vừa nắm bắt nhu cầu của thị trường lại vừa giúp giải quyết những vấn đề xã hội."