Khai thác đá tại Nghệ An:

'Kiếm cơm bất kể sống chết'!

'Kiếm cơm bất kể sống chết'!
TP - Các vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn Nghệ An thời gian qua là do chủ thầu vì cái lợi trước mắt, sợ tốn kém nên khai thác theo kiểu “mì ăn liền”. Tai nạn ập đến, người bị thiệt thòi nhất chính là những công nhân trực tiếp khai thác đá.

>> Ai chịu trách nhiệm trước những cái chết oan khiên?

'Kiếm cơm bất kể sống chết'! ảnh 1
Cảnh khai thác đá tại Quỳnh Lưu, Nghệ An

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm

Trong vòng chưa đầy 1 tháng (15/12/2007- 12/1/2008), cả nước xảy ra 5 vụ tai nạn do khai thác đá, làm chết và bị thương 43 người. Riêng tại Nghệ An xảy ra 2 vụ lớn, 21 người thiệt mạng, 7 người khác bị thương. Tai nạn chết người do khai thác đá đã lên tới mức báo động đỏ!

Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có núi đá vôi với trữ lượng khổng lồ. Chỉ tính riêng trong vòng đường kính 7 km phía bắc huyện đã có đến 5 điểm khai thác đá lớn nhỏ, như lèn Trụ Hải (Quỳnh Văn), lèn Nậy Hoàng Mai, Lèn Chùa Quỳnh Xuân, núi Bài Thơ, núi Xước…

Những nơi này, hàng ngàn lao động ngày đêm mưu sinh đổi lấy những bát cơm chan bụi, chan mồ hôi và có lúc đánh đổi cả tính mạng của mình.

Tại lèn Nậy, vụ lở núi ngày 12/1 không phải là tai nạn đầu tiên. Năm ngoái, đá từng đổ ụp xuống đè chết tại chỗ bà chủ Nguyễn Thị Trang (em ruột ông Đoan - chủ khai thác đá) và làm 4 người khác bị thương.

3, 4 vụ tai nạn khác tiếp tục xảy ra nhưng đều “chìm trong im lặng”. Chị Lê Thị Huấn kể: “Tháng 6/2006, tôi đang xúc đá thì một hòn đá do nổ mìn văng xuống rơi trúng chân trái, phải tháo mất 2 ngón, nay thì đến em ruột (Lê Thị Hoàn) chết.

Những người bị thương như tôi nhiều lắm. 7 người lâm nạn vừa qua đang nằm viện có 2 người chấn thương sọ não, 1 người cưa cả tay lẫn chân, 2 người giập ngực gẫy sườn, vỡ xương chậu. 1 nạn nhân khác liệt nửa người”.

Lèn Chùa (Quỳnh Xuân), từ năm 1999 đến nay đã có nhiều người chết do lở núi. Năm 2000 chết 3 người; Năm 2001 chết 2 học sinh, 1 công nhân; Năm 2002 chết 2 công nhân và 1 học sinh lớp 11. Vụ lở núi tang thương nhất xảy ra năm 2003 làm 6 người chết. Bà Đậu Thị Tiệp và chị Hiền đang xúc đất vào công nông,  khối đá nặng hàng tấn bất thần lăn xuống, 4 người bị thương nặng.

Bà Tiệp, chị Hiền bị đá vùi, lực lượng cứu hộ phải huy động máy xúc mới đưa được thi hài của mẹ con bà Tiệp ra khỏi đống đổ nát, xe công nông bẹp dúm.

Năm 2005, có ba vụ tai nạn liên tiếp cướp đi mạng sống của anh Trần Quang Tình, anh Nguyễn Đình Kỳ và cụ bà 71 tuổi. Tháng 7/2007, anh Trần Đức Hợi (21 tuổi, xóm 9 Quỳnh Xuân) leo lên vách núi đục lỗ đặt mìn, dây đứt rơi xuống tử nạn;

Ở khu vực khai thác của công ty Xuân Tùng một khối đá nặng khoảng 10m3 đổ ụp xuống đè chết cháu Nguyễn Thị Hải và Hồ Thị Viện (16 tuổi, xóm 7). Tai nạn do nổ mìn, đá đè làm hàng chục người khác bị thương, có người tàn tật suốt đời.

Mưu sinh với đồng tiền công rẻ mạt

'Kiếm cơm bất kể sống chết'! ảnh 2
Bao giờ mới hết những vành khăn tang?

Trước tình hình đó, UBND huyện Quỳnh Lưu quyết định đình chỉ hoạt động khai thác đá tại lèn Chùa (Quỳnh Xuân). Cả khu đất đồ sộ với hàng trăm loại phương tiện máy móc của 4 công ty: Xuân Hùng; Xuân Tùng, Xuân Quỳnh, Thanh Xuân đã nằm im ắng suốt 5 tháng qua. Tuy vậy, phía sau lèn vẫn có một tổ khai thác.

Từ mờ sáng đến tối mịt, hàng chục chiếc xe công nông tấp nập vào ra, bụi đất bay mù mịt. Một người dân sở tại cho biết: “5 tháng qua chúng tôi đều tản đi khắp nơi làm thuê, riêng công ty này hình như có “tay trong” nên được ưu tiên”. 8 giờ ngày 15/1/2007, chúng tôi có mặt ở khu vực này vẫn thấy hàng trăm lao động đầu trần chân đất hối hả làm việc.

Khi được hỏi: “Khai thác đá trong điều kiện không đảm bảo ATLĐ các anh không sợ tai nạn xảy ra?”. Một công nhân trả lời: “Có việc làm kiếm bát cơm manh áo là may rồi, kể gì sống chết!”. Dẫu biết hiểm nguy treo lơ lửng trên đầu, những người dân nghèo vẫn phải bám núi với đồng tiền công rẻ mạt.

Nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do chủ thầu vì cái lợi trước mắt, sợ tốn kém nên khai thác theo kiểu “mì ăn liền”. Đáng lẽ phải lấy đá từ ngọn xuống, họ lại lấy từ chân núi lên tạo ra những “hàm ếch”, sạt lở núi là không tránh khỏi.

Người làm thuê không có hợp đồng lao động, không được trang bị đồ bảo hộ lao động và đều không được hưởng bất cứ loại hình bảo hiểm nào...

Do đó khi tai nạn ập đến, người bị thiệt thòi nhất chính là những công nhân trực tiếp khai thác đá trên công trường. Nhiều gia đình “tan cửa nát nhà”, vợ mất chồng, mẹ mất con vì núi lở.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Phúc Hợp - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “UBND đã có quyết định cấm khai thác mỏ đá lèn Nậy từ lâu nhưng chính quyền cơ sở vẫn để các chủ mỏ hoạt động như thế là sai quy định. Chúng tôi đang xem xét mức độ, tính chất của sự việc, có thể sẽ khởi tố vụ án”. Vậy, vai trò quản lý của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện ở đâu?

Đã đến lúc phải chấn chỉnh lại quy trình khai thác tại các mỏ đá, giúp người lao động tránh những tai nạn thương tâm.

MỚI - NÓNG