Kiếm bạc tỷ từ trồng vải trên Tây Nguyên

Kiếm bạc tỷ từ trồng vải trên Tây Nguyên
TP - Khi vải phía Bắc vừa đậu quả non, thì giữa Tây Nguyên xanh tươi đã thấp thoáng sắc đỏ của những vườn vải rộ chín đầu hạ, đem lại cho người trồng vải nơi đây mức lợi nhuận “ một vốn bốn lời”.
Mùa vải sớm trên trang trại ông Luyến
Mùa vải sớm trên trang trại ông Luyến.

Thu lợi bạc tỷ

Một trong những người đầu tiên giàu lên nhờ cây vải ở Đắk Lắk là ông Vũ Trọng Luyến ở phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ.

Nguyên bộ đội Trường Sơn chuyển ngành sang Tài chính, Thanh tra từ năm 1992, ông tranh thủ ngoài giờ đi trồng vải. Tán vải xanh um sau mười năm không ra quả, nhờ một trận lửa đốt rác táp cháy sém cành, khi tái sinh bỗng nảy đầy hoa trái, thúc đẩy ông Luyến nghiên cứu cách kích thích vải đơm hoa kết quả trên đất bazan.

Thử nghiệm thành công, ông Luyến nhổ đám cà phê cỗi, ưu tiên mở rộng diện tích trồng loại vải lai chín sớm mua giống từ Lục Ngạn (Bắc Giang).

Đầu tháng năm, vườn vải nhà ông Luyến chín đỏ rực, thương lái đặt mua tận gốc. Đợt bán vải đầu tiên năm 2011 cho ông gần trăm triệu đồng. Mùa vải năm nay với 800 cây cho quả bình quân mỗi cây 50 ký, mỗi ký giá 33.000 đồng, ông thu được gần 1 tỷ đồng.

Ông Luyến dự tính đến năm 2015, khi cả 1.200 cây vải đồng loạt cho thu hoạch, riêng tiền bán vải không dưới 2 tỷ đồng/năm.

Vườn vải thứ hai đạt doanh thu bạc tỷ ở Đắk Lắk có diện tích 10ha liền khoảnh, là khu vườn thực nghiệm trồng 11 giống vải ở Krông Pắk, vừa được chuyển quyền quản lý từ ngành lâm nghiệp cho Cty TNHH Hòa Long.

Ông Nhữ Anh Hòa, Giám đốc Cty Hòa Long, nói: Giữa tháng 5, vườn đã thu hoạch xong, bán được 60 tấn quả vải tươi cho thương lái, thu hơn 2 tỷ đồng.

Danh tiếng vải… Tây Nguyên

Cố vấn kiêm sáng lập viên Vườn vải thực nghiệm cho Cty Hòa Long là ông Phạm Thế Quốc, nguyên chiến sỹ tiểu đoàn Ba Đình từng nhiều năm chiến đấu ở Quảng Đức, nay thuộc tỉnh Đắk Nông. Ra quân, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ông Quốc tâm niệm sẽ giúp nông dân Tây Nguyên làm giàu với nghề trồng vải thiều cao sản.

Một thương lái cho biết: Quả vải tháng năm trên Tây Nguyên được thị trường phía Nam ưa chuộng bởi màu đỏ tươi đẹp mắt, cùi mọng, hương thơm, ngọt thanh đến ngọt đậm pha nhẹ vị chua dễ chịu, chất lượng không thua kém vải chính vụ chín rộ đầu tháng bảy ở miền Bắc.

Về hưu, rời Hà Nội, ông Quốc khoác ba lô học nghề từ chuyên gia và những người trồng vải giỏi khắp các vùng chuyên canh vải miền Bắc, đọc tài liệu trong và ngoài nước về vải thiều rồi mỗi năm bay vào Tây Nguyên mấy lượt, đem hàng nghìn bầu vải giống vào 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, truyền đạt kỹ thuật trồng vải hiệu quả nhất đến những chủ vườn muốn chuyển đổi giống cây trồng.

Trong Vườn thực nghiệm, ông trồng tới 11 giống vải để so sánh. Ông cũng thúc đẩy những người trồng vải ở Đắk Lắk thành lập câu lạc bộ, tặng họ tập tài liệu kỹ thuật trồng vải do ông tự biên soạn và nhân bản bằng chiếc máy tính tại gia Đồ đệ môn vải của ông ở các huyện Krông Buk, Krông Pắk, Ea Kar, M’Drắk, Krông Năng, Krông Ana (Đắk Lắk); Đắk Song, Krông Nô, Đắk Mil (Đắk Nông); Lâm Hà, Bảo Lộc ( Lâm Đồng)...

Sau một thời gian thực hiện theo hướng dẫn đều gây dựng được vườn vải chín sớm cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, với tỷ lệ đầu tư bình quân một vốn bốn lời.

Vải tươi cắt tại vườn ở Đắk Nông, Đắk Lắk đóng thùng lên xe, chỉ vài tiếng sau đã lên sạp, vào siêu thị ở TPHCM.

Dù danh tiếng vải Tây Nguyên không còn xa lạ với thị trường phía Nam, nhưng các cơ quan chức năng trên địa bàn vẫn chưa đi sâu nghiên cứu về mức giới hạn nhiệt độ ra hoa của từng giống vải, khẳng định lượng nước đủ tưới cho mỗi hecta theo từng mùa hoa vải là bao nhiêu, để có đủ căn cứ khoa học mà giới thiệu cơ cấu giống, tiến đến quy hoạch vùng vải chín sớm giá trị cao cho Tây Nguyên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG