Kịch tính khi bác sỹ 'cưỡng mệnh Trời', giúp người mẹ hiếm muộn giữ thai nhi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Gặp khó khăn trong việc mang thai tự nhiên nên chị P.T.N.Q (26 tuổi, trú tại Lâm Thao, Phú Thọ) phải nhờ đến kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bằng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) mới có được mụn con đầu lòng. Cả thai kỳ chị Q. đều thận trọng, giữ gìn rất cẩn thận nhưng đến khi thai nhi được 32 tuần tuổi, chị bất ngờ có dấu hiệu chuyển dạ, nguy cơ sinh non rất cao.

Chị Q. được gia đình đưa vào khám cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ ngày 29/11/2022 khi đã có dấu hiệu đau bụng trước đó một ngày. Thời điểm vào viện, các bác sĩ thăm khám phát hiện thấy tình trạng cổ tử cung đã mở 2cm, có nhiều cơn co tử cung, khi siêu âm trọng lượng thai nhi ước đạt 1.700g.

Xác định đây là một trường hợp có nguy cơ sinh non rất cao, các bác sĩ đã ngay lập tức cho bệnh nhân dùng Corticoid liều cấp để trưởng thành phổi thai nhi, đồng thời dùng thuốc cắt cơn co và xem xét việc khâu vòng cổ tử cung cấp cứu khi các cơn co đã được kiểm soát.

“2 giờ sau khi được dùng thuốc, tần suất các cơn co tử cung của bệnh nhân có giảm hơn nhưng cổ tử cung cũng đã mở 3-4 cm, đầu ối căng. Nếu sinh non ở thời điểm này sẽ rất bất lợi cho sức khỏe của bé nên chúng tôi quyết định khâu vòng cổ tử cung cho thai phụ với tâm thế giúp thai phụ giữ thai lâu nhất có thể”, BSCKI. Nguyễn Văn Hưng – Trưởng khoa Sản 2 cho biết.

Kịch tính khi bác sỹ 'cưỡng mệnh Trời', giúp người mẹ hiếm muộn giữ thai nhi ảnh 1

Kiểm tra thai nhi sau khi khâu vòng eo tử cung cho sản phụ Q. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Với sự nỗ lực của cả ê-kip thực hiện, sau hơn 1 giờ tiến hành khâu, đẩy thai và đẩy ối, cuối cùng ca khâu đã thành công. Bệnh nhân sau đó được đưa về chăm sóc, theo dõi tại khoa Sản 2.

Đến nay, sau 7 ngày thực hiện thủ thuật khâu vòng cổ tử cung, tình trạng sức khỏe của thai phụ ổn định, thai nhi phát triển tốt, trên siêu âm, trọng lượng của bé ước đạt 1.900g.

Khâu vòng cổ tử cung là một thủ thuật có xâm lấn, được thực hiện ở tuần 14 – 16 của thai kỳ nhằm dự phòng sinh non cho thai phụ có nguy cơ sinh non. Trong một số trường hợp đặc biệt, khâu vòng cổ tử cung có thể thực hiện ở sau tuần 20.

Theo BSCKI. Nguyễn Văn Hưng, khâu vòng cổ tử cung là thủ thuật an toàn, thường ít biến chứng nếu thực hiện đúng kỹ thuật và chỉ định. Các trường hợp hở eo tử cung, suy cổ tử cung hoặc cổ tử cung ngắn dần, hình chữ U,Y, V hoặc đã có dấu hiệu chuyển dạ, cổ tử cung mở, ối tụt, các bác sĩ sẽ tiến hành khâu cổ tử cung cấp cứu. Trong trường hợp khâu cấp cứu thì độ khó của thủ thuật cao, nguy cơ vỡ ối hoặc rỉ ối sẽ tăng lên. Chính vì vậy, việc thăm khám thai kỳ toàn diện và chuyên sâu sẽ giúp thai phụ phát hiện các trường hợp có nguy cơ và dự phòng sinh non tốt hơn.

Sau khâu vòng cổ tử cung, thai phụ được theo dõi tại Bệnh viện, theo dõi các dấu hiệu như đau bụng, cơn gò tử cung, ra máu, ra dịch,… Khi không có đấu hiệu dọa sinh non và sức khỏe ổn định, thai phụ được xuất viện và theo dõi thai kỳ theo lịch hẹn.

MỚI - NÓNG