Ða sắc màu
Tết năm nay, sân khấu kịch Hồng Vân dàn dựng 4 vở diễn cho 2 sân khấu thuộc Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận và Superbowl. Đó là các vở Tắt đèn là chạy (Tác giả Thái Sơn), Thân sâu hồn bướm (tác giả Bùi Quốc Bảo), Đại ca mình đi đâu thế (tác giả Tuấn Anh), Sợ (tác giả Quỳnh Trâm). Theo bà “Bầu”- NSND Hồng Vân, đa số các vở diễn trên đều của các tác giả còn trẻ có nhiều năm cộng tác tại sân khấu Hồng Vân. “Các vở diễn vừa mang được tính tìm tòi, nắm bắt được nhu cầu người xem, đặc biệt là khán giả trẻ lại vừa đạt tiêu chí về chất lượng, nội dung. Nguồn tác giả, tác phẩm sân khấu mang đậm chất trẻ trung, đa dạng, giúp sân khấu ổn định trong việc tìm vở mới dàn dựng cho mùa tết” - NSND Hồng Vân nói.
Cũng dàn dựng tới 4 vở diễn cho mùa Kịch Tết là Sân khấu Thế Giới Trẻ. Bốn vở mang bốn sắc màu khác nhau là Ngôi làng ma ám (Tác giả Phan Ngọc Liên), Ván bài của Sói (tác giả Nguyễn Bảo Ngọc - Nam Thư), Người vô hình (tác giả, đạo diễn Bùi Quốc Bảo), Shipper tình yêu (tác giả Nguyễn Thu Phương). Khiêm tốn hơn, 2 sân khấu thuộc dạng “Anh cả” của làng kịch phía Nam là Sân khấu nhỏ 5b và Sân khấu kịch IDECAF năm nay mỗi sân khấu chỉ “Trình làng” 2 vở diễn mới. Đó là Duyên ai (Tác giả Mộc Nhiên), Đẹp bất chấp (Tác giả đạo diễn Bùi Quốc Bảo) của 5b và Mơ giấc tình tình (tác giả, đạo diễn Lê Hoàng Giang) và Cái đẹp đè bẹp cái nết (Đạo diễn Vũ Minh) của IDECAF. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, lý do ít có kịch bản hay nên IDECAF chọn giải pháp vừa mới vừa cũ, bao gồm vừa trình diễn vở diễn mới vừa dựng lại các vở diễn cũ ăn khách.
Cùng chọn lựa khai thác các vở diễn cũ, Nhà hát Kịch TPHCM chỉ đưa ra duy nhất vở diễn mới là Nàng Hến tầm duyên (Tác giả Vương Huyền Cơ) phục vụ khán giả dịp Tết. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng chỉ đầu tư một vở duy nhất Bên kia… nửa đời ngơ ngác (đạo diễn Ái Như), sân khấu Trịnh Kim Chi là vở kịch lịch sử Thái hậu Dương Vân Nga (Đạo diễn Nguyễn Hải Yến)… Á hậu - NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết, mùa Tết năm nay các sân khấu cũng đang rất dè chừng trong công việc dàn dựng vở mới. “Điều quan trọng những người làm kịch quan tâm không phải mùa Tết có bao nhiêu vở mới được dàn dựng, điều quan trọng nhất là làm gì để kéo khán giả đến sân khấu. Vở cũ hay mới mà không có khán giả thì cũng như nhau thôi” - NSƯT Kim Chi cho nói.
NSƯT Trịnh Kim Chi và diễn viên Hạnh Thuý trong Thái hậu Dương Vân Nga
Tìm về những giá trị cũ
Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, năm nay các sân khấu kịch Tết đều chọn đầu tư theo chiều sâu, chú trọng và chăm chút kỹ từ nội dung, ý nghĩa đến hình thức trình diễn. Mức đầu tư cho các vở kịch không quá cao nên các nhà làm kịch thường chọn chủ đề dễ dàn dựng, giảm chi phí cảnh trí trang phục, sân khấu. Những kịch bản thuộc dạng dễ dàn dựng như chuyện về tình yêu đôi lứa, tình cảm trong gia đình, những vấn đề về số phận con người giữa thăng trầm của đời sống xã hội, nắm bắt kịp thời xu hướng và thị hiếu giải trí của khán giả hôm nay.
Bên cạnh đó, vai trò của nghệ sỹ cũng được các nhà làm kịch đặt lên hàng đầu, nghệ sỹ có tên, tuổi nghề đều được mời tham gia các vở diễn. Những nghệ sỹ dù không “hot” với khán giả như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSND Ngọc Giàu, Minh Nhí, Thanh Thuỷ, Lê Quốc Nam… đều có “đất” để phô diễn tài năng. Giá trị của kịch bản sân khấu và sự tung hứng tài năng của những nghệ sỹ tâm huyết thực sự với sân khấu hy vọng sẽ giúp các sân khấu tìm được sự đồng cảm, sẻ chia từ khán giả yêu thích kịch nói. Dù thực tiễn hoạt động tổ chức biểu diễn của xã hội hóa luôn gặp nhiều khó khăn, từ cơ sở vật chất, nguồn kịch bản chất lượng, đến đội ngũ đạo diễn, diễn viên giỏi nghề, nhưng các ông bà “Bầu” vẫn nỗ lực mang về một mùa kịch tết vui vẻ, ý nghĩa.
“Hy vọng sau một thời gian chạy theo các xu hướng nhất thời, các nhà làm kịch đã quay lại với những giá trị văn hoá trường tồn của cuộc sống với mong mỏi tạo được những tác phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí mùa Tết của khán giả”- Đạo diễn sân khấu Hoàng Duẩn cho biết.