Kịch Sài Gòn tha hồ mà chọn!

TP - Đến TPHCM dịp nghỉ lễ, chúng tôi có cơ hội thám sát một vòng sân khấu kịch- vốn được coi là đặc sản văn hóa chốn này. Sân khấu nào cũng có trang web với đầy đủ lịch diễn, rất tiện tìm kiếm. Có cả chục điểm diễn trong thành phố, nghĩa là mỗi ngày có gần 20 vở đủ thể loại đáp ứng mọi nhu cầu.

> NSND Lê Tiến Thọ: Trăn trở sân khấu Việt Nam
> Lần đầu có liên hoan cho nghệ sĩ hài

Bổn cũ soạn lại

Nghe nói kịch Hoàng Thái Thanh hợp với người lớn tuổi, nhưng khá nhiều khán giả trẻ đến xem Tình duyên thuở trước tối 28/4. Vở diễn được đạo diễn Ái Như dựng lại từ kịch bản Trầu cau có từ 13 năm về trước.

Có lẽ vì thế mà một số diễn biến theo lối sống xưa cũ làm người xem hơi bị... tức thay cho nhân vật. Như việc hai anh chị trung niên đơn thân yêu nhau ở sát vách mà hàng chục năm không dám động chạm vì sợ dị nghị. Thế mới biết chỉ sau một thập kỷ, cuộc sống và con người đã đổi khác thế nào.

Tình duyên thuở trước thì đem lại cảm xúc xót xa, đau đời. Chỉ vì ngại bạn trai Tây sốc vì bà ngoại ăn trầu nên cô cháu tìm cách cho bà ra khỏi nhà trong vài giờ. Từ đó diễn ra nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Ái Như đóng vai ngoại (già hơn chị mấy chục tuổi) rất ngọt và duyên. Vì thế cả một màn chỉ có chị và Thành Hội tung hứng, người xem vẫn không thấy chán.

Kịch Sài Gòn hay có kiểu “song tấu” cả màn như vậy. Vừa dễ dựng lại dễ gây cười nhưng cũng rất dễ “lòi” ra khỏi vở diễn. Cái được đầu tiên kịch TPHCM là diễn viên diễn rất có nghề và đồng đều. Vì thế mà nhiều khi chỉ cần vài cái khoa chân múa... miệng cũng phần nào khỏa lấp được sự sơ sài của kịch bản.

Kịch “ôm”

Cũng khó mà than phiền được về kịch Sài Gòn. Tiền nào của ấy. Những vở ít đầu tư, ít diễn viên do các đơn vị chưa đình đám lắm dàn dựng, giá vé bao giờ cũng mềm hơn. Oan hồn của Kịch Sài Gòn tối 29-4, giá vé chỉ 100.000đồng.

Tiền sảnh trên đường Cao Thắng tràn ngập hình ảnh máu me, ma quái. Kịch mục gồm: Hồn ma báo oán, Áo cho người chết, Biệt thự ma, Cứu em, Quỷ, Hồn trinh nữ...

Tiền sảnh đông nghịt, khán giả tràn ra cả vỉa hè. Nhìn quanh toàn thấy các cô cậu tuổi teen yêu đời phơi phới. Xem kịch ma tốt nhất đi cùng người yêu.

Tha hồ có cơ hội mà ôm, quắp. Oan hồn sẽ cho phép “đôi trẻ” làm điều đó nhiều lần. Vở này khiến người ta giật mình nhiều hơn là sợ vì cứ đến những đoạn có vẻ gay cấn thì hiệu ứng âm thanh nổi lên cái rầm.

Đoạn kết Oan hồn làm người xem hơi hẫng vì vấn đề được giải quyết hơi dễ dàng. Đại gia đi xe ẩu làm chết người, rồi người chết hiện về trả thù bằng cách khiến cho đại gia đụng xe chết.

Sau đó khi cả hai đều trở thành oan hồn rồi thì “ma cũ” có màn rao giảng đạo đức khá lê thê. Nói chung Oan hồn hợp với khán giả trẻ- đến xem vừa được ôm nhau, lại vừa được... giáo dục.

Ngôi nhà hoang (tức Người vợ ma 2) của Kịch Hồng Vân dùng hiệu ứng thị giác là chính, và có nhiều tình tiết gây cười hơn Oan hồn. Khác với Oan hồn, Ngôi nhà hoang khẳng định không có hồn ma nào sất- (hầu như) tất cả chỉ là do con người dựng lên.

Vì giá vé đắt hơn (150.000 đồng) hay sao, mà Ngôi nhà hoang có một số cảnh gây cảm giác câu giờ. Như cảnh hai vợ chồng đi xem nhà để mua mà cứ ngồi “song tấu” đủ thứ chuyện ba lăng nhăng trong vườn nhà người ta.

Âm thanh chát chúa của ca nhạc tiệc cưới dưới lầu vọng lên rõ mồn một cũng giảm bớt hiệu ứng ma mị của vở.

Kịch cù

Khán giả Sài Gòn rất nhiệt tình. Chỉ cần diễn viên ưa thích ló mặt ra là tiếng vỗ tay đã rần rần. Thế cho nên đến với hài kịch Hú hồn cũng tại sân khấu Hồng Vân tối 30/4, khán giả cứ gọi là cười từ đầu đến cuối, khác nhau chỉ là về cường độ.

Vở diễn hội tụ diễn viên nổi tiếng: Minh Nhí, Hạnh Thúy, Anh Vũ... Kể về một gia đình làm những nghề như xe ôm, bán dạo... bỗng dưng trúng số. Có tiền, cả nhà vật vã ăn chơi, riết hồi lại trở về với “cái máng lợn”. Kết thúc, tất cả lại đi bán vé số và hình như lại trúng giải đặc biệt.

Nếu sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh ghi rõ không kèm trẻ em dưới 6 tuổi thì ở sân khấu Hồng Vân, trẻ dưới 6 tuổi lại được phép ngồi cùng ghế với người lớn.

Nói chung cho cháu nhỏ đi xem hài kịch (không phải dành cho thiếu nhi) thì người lớn khó mà yên tâm, vì thể nào cũng có những tình tiết hơi tục hoặc nhân vật văng tục.

Chẳng hạn trong Hú hồn, có cảnh nhân vật diễn tả tình huống bị hãm hiếp. Một cảnh nữa có thể coi là phản cảm và nhảm, là cảnh “đấu bầu”.

Hai bà bầu đấu nhau theo một cách nào đó không rõ, vì lúc hai bà sáp lại nhau thì đèn tắt. Đèn bật lên thì một bà thua ôm bụng kêu đau. Bà thắng về sau mới biết là mang bầu giả.

Buồn cười là trong khi đại đa số khán giả cười như ong vỡ tổ thì bên cạnh tôi, người bạn mới ở Hà Nội vào say sưa... ngủ. Đến giờ nghỉ (vở nào cũng có nghỉ giữa giờ cho khán giả ra ngoài uống nước, ăn nhẹ), các bạn Hà Nội của tôi kéo nhau về hết lượt. Tôi thì vẫn phục diễn xuất của kịch sĩ Sài Gòn nên ở lại xem đến hết Hú hồn mà không có gì phải miễn cưỡng.

Idecaf có lẽ là sân khấu kịch đắt hàng nhất TPHCM hiện nay. Sau khi gọi theo số điện thoại trên trang web không được, chúng tôi đến địa chỉ ở Trần Cao Vân thì tất cả đêm diễn cho đến 5/5 đều hết vé.

Một chị phe đến chào mời 160.000 đồng/chiếc, trong khi giá chuẩn là 120.000 đồng. Chúng tôi tìm đến sân khấu khác. Kịch Sài Gòn nhiều lựa chọn mà!

Dường như chỗ nào có thể diễn kịch ở TPHCM thì đều được sáng đèn, ít nhất vào 3 ngày cuối tuần. Đó là điều đáng khâm phục ở những người làm kịch Sài Gòn. Tất nhiên cũng phải nhờ vào sự chịu chơi của khán giả nơi đây.

“Dư luận” cho rằng kịch Bắc đứng đắn hơn kịch Nam nhưng kịch gì thì diễn xuất cũng phải đi đầu. Đứng đắn mà diễn không ra thì xem hài kịch cười xòa còn hơn.

Theo Báo giấy