Chuyên gia kinh tế, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, quá trình Việt Nam hội nhập WTO từ năm 2007 đến nay đã bộc lộ nhiều yếu kém, điển hình là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo lộ trình đến cuối 2015, Việt Nam sẽ tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, một cộng đồng với 600 triệu dân của 10 quốc gia. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đảm bảo tự do hóa thương mại, kể cả đầu tư và lao động có kỹ năng. Ngoài ra chúng ta cũng phải triển khai nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, như Á Âu, EU, hay TPP...
Bởi vậy, Chính phủ cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp và hộ nông dân. Đây là hai lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng. Mặc dù TPP sắp được triển khai, song người nông dân vẫn chưa được giải thích, tuyên truyền, dù họ có khả năng bị tổn thương rất nặng. Để cứu vãn điều này, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần phải có một tổ, hay ủy ban nào đó từ chính những bộ máy hiện tại để rà soát, góp phần đảm bảo tính độc lập, tự chủ của kinh tế Việt Nam.
Ông Ngân cho rằng, Quốc hội đã có Nghị quyết 1052 (ngày 24/10/2015) rất đúng mực, nhiều nội dung hay, trí tuệ, trong đó đưa ra một số định hướng thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế mà Chính phủ cần phải triển khai. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu tố đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh chính là công nghệ. Do vậy, Chính phủ cần phải sớm có gói giải pháp cụ thể, có gói hỗ trợ cụ thể với nguồn vốn vay trung hạn, vay mua sắm thiết bị công nghệ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần một kịch bản đối phó với dòng vốn FDI, bởi trong tháng 9 và 10, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam rất nhiều.
Việc cấp phép đầu tư nước ngoài ở các địa phương, ĐB Ngân cũng thể hiện sự lo lắng, vì địa phương chạy theo thành tích nên việc cấp phép thiếu sự quan tâm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, đặc biệt đến an ninh quốc phòng. Vấn đề cấp thiết không kém hiện nay là phải rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch kết cấu hạ tầng xã hội cũng như việc sử dụng tài nguyên quốc gia. Bởi nếu không làm điều này thì sự cạnh tranh của các địa phương sẽ ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế chung.