Theo Cục Bảo vệ thực vật, 37 mã số vùng trồng này nằm trong nhóm 49 mã số vùng trồng và 11 mã số cơ sở đóng gói được Trung Quốc yêu cầu cung cấp thêm tài liệu xác minh trong đợt đánh giá toàn diện bằng cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, kéo dài gần hai tháng và kết thúc hồi đầu tháng 9/2022. Khi đó, Việt Nam đề xuất 126 mã số vùng trồng, 44 mã số cơ sở đóng gói và được phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 cơ sở đóng gói.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, tính cả 2 đợt, sầu riêng Việt Nam được Trung Quốc cấp tổng cộng 113 mã và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi hiện có khoảng 300 mã đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến để hoàn thiện nốt thủ tục chờ Trung Quốc cấp phép.
“Việc có thêm mã số vùng trồng và đóng gói sẽ giúp sầu riêng Việt Nam rộng đường hơn khi xuất sang Trung Quốc. Thời gian qua, sau khi được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng rất mạnh, giá bán tăng gấp 3 lần giúp bà con phấn khởi”, Cục Bảo vệ thực vật đánh giá.
Bộ NN&PTNT cảnh báo người dân, doanh nghiệp tránh chạy theo cơn sốt sầu riêng |
Trước giá bán tăng cao và cơn sốt sầu riêng từ Trung Quốc, tại nhiều địa phương, thời gian qua người dân chuyển đổi cây trồng khác như tiêu, điều, cà phê... sang sầu riêng. Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện tình hình nhiều khả năng thay đổi khi Thái Lan và Malaysia vào vụ thu hoạch.
Đặc biệt, chưa có dự báo nào về cơn sốt sầu riêng tại đây sẽ kéo dài bao lâu, trong khi người nông dân phải chờ khoảng 5 năm để cây sầu riêng cho thu hoạch. Nếu có biến động thị trường trên quy mô lớn, bà con chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trên diện rộng.
"Người dân và doanh nghiệp cần phải tỉnh táo khi xây lộ trình xuất khẩu sầu riêng, tránh tính trạng thua lỗ hoặc chờ hỗ trợ tiêu thụ giống một số nông sản trong quá khứ. Đặc biệt, toàn ngành hàng cần tính toán kỹ chi phí và giá bán, bởi không phải lúc nào Việt Nam cũng trong cảnh một mình một chợ như 3 tháng trước", Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị người dân và địa phương tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối.