Khủng hoảng về nước

Hạn mặn khốc liệt nhất lịch sử đe dọa ĐBSCL. Ảnh: Hoà Hội
Hạn mặn khốc liệt nhất lịch sử đe dọa ĐBSCL. Ảnh: Hoà Hội
TP - Tôi chợt nhớ những mẩu thiên thạch hình giọt nước cháy đen nằm lặng lẽ nơi bảo tàng vùng núi An Khê tỉnh Gia Lai. Khi tiếng kêu cứu tuyệt vọng từ các tỉnh miền Tây đang khô kiệt nguồn nước bị chìm lấp giữa rừng tin tức về dịch Covid.

Nguồn nước dồi dào bao đời nơi các tỉnh ĐBSCL của chúng ta giờ đang bị rút dần, như máu chảy mãi ra khỏi cơ thể không cầm được. Mỗi lần có việc về công tác tại miền Tây, là mỗi lần tôi chứng kiến những dòng sông, con kênh, ruộng đồng, vườn cây trái ngày một khô cằn, xơ xác hơn.

Hiện đã có 5 tỉnh ĐBSCL công bố tình trạng khẩn cấp, không phải về dịch bệnh, mà là khủng hoảng về nước. Mọi kỷ lục cứ liên tục bị phá vỡ. Nếu như đợt hạn mặn năm 2016 được xem là kỷ lục trong vòng 100 năm qua, thì đợt hạn mặn năm 2020 này dù mới mấy tháng đầu năm đã lập tức xô đổ kỷ lục ấy.

Dòng Mê Kông dài 4.880 cây số, thì gần một nửa chiều dài chảy qua Trung Quốc, được gọi với cái tên sông Lan Thương. Phần còn lại lần lượt chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và cuối cùng là Việt Nam, ở các tỉnh miền Tây. Hai mươi đập thủy điện trên dòng Lan Thương, rồi nhiều đập thủy điện khác tại Lào, Thái Lan,… đã chặn hầu hết nguồn nước từ thượng nguồn. Dòng Mê Kông còn bị các quốc gia phía trên xẻ dòng, chuyển dòng để “tích trữ” nước phục vụ nông nghiệp, sản xuất. Cùng với biến đổi khí hậu, thì đây là nguyên nhân chính khiến miền Tây của chúng ta rơi vào tình huống báo động đỏ về nguồn nước.

Tất nhiên mỗi quốc gia đều có quyền sử dụng những thứ nằm trên lãnh thổ mình. Còn sử dụng thế nào, cùng chia sẻ hay tìm cách độc chiếm một nguồn nước chung của các quốc gia lân cận, mới là điều đáng nói. Và nhiều người đã nói.

Ở đây tôi muốn nói một điều khác hơn. Đó là có lẽ đến một lúc nào đó, sẽ sớm thôi, con người phải tạm gác việc nghiên cứu đưa con người lên sao Hỏa để tập trung tìm cách biến những đại dương thành biển nước ngọt. Để giúp loài người tồn tại, bởi cả hành tinh này cũng đang dần kiệt nước.    

Những mảnh thiên thạch (tektite) mang hình giọt nước từ vũ trụ rơi xuống An Khê cách nay trên 800 ngàn năm, mặt ngoài của chúng bị rỗ lỗ chỗ hoặc có những đường lằn xoắn ốc. Các nhà khoa học cho rằng chúng từng bị đông đặc trong quá trình rơi vào trái đất.

Và từ thời tối cổ trước đó, ít ai biết vùng đất Tây Nguyên này chính là một vùng… biển. Dãy Trường Sơn thuở ấy nhiều nơi còn dập dềnh trong biển. Những công cụ bằng đá của người tiền sử nơi đây làm từ thạch anh, vốn là cuội thạch đã được sóng biển mài tròn.

Nói vậy, để thấy mọi chuyển dời trên trái đất này, không gì là không thể.

Máu, mồ hôi và nước mắt con người giờ vẫn đang còn mặn chát chất muối của biển. Các nhà nghiên cứu đã nói vậy. Và giờ đây nguồn nước nuôi sống con người, súc vật, cỏ cây cũng đang mặn dần. Mặn một cách đắng cay.

MỚI - NÓNG