Khủng hoảng Ukraine bế tắc, các bên đổ lỗi cho nhau

TP - Trong chuyến thăm Kiev, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua khẳng định Mỹ ủng hộ các lãnh đạo mới của Ukraine trước những mối đe dọa.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk hôm 22/4 tại Kiev. Ảnh: AP

Ukraine và Nga đổ lỗi cho nhau về việc thỏa thuận Geneva về giải quyết khủng hoảng Ukraine bị vi phạm, trong khi Nga và Mỹ thúc giục nhau giúp triển khai thỏa thuận này. Trước nguy cơ Mỹ gia tăng trừng phạt, lãnh đạo Nga khẳng định sẽ chuẩn bị sẵn sàng để “giảm thiểu hậu quả”.

Ông Biden khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho chính quyền Kiev thân phương Tây trong cuộc họp tại Quốc hội Ukraine. Ông Biden cũng đối thoại với Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov và Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk.

Nhân dịp này, ông Biden công bố gói hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ cho chính phủ Ukraine, trong đó có trợ giúp kinh tế và năng lượng. Mới đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Á-Âu, bà Victoria Nuland, xác nhận, Mỹ đã chi 5 tỷ USD để hỗ trợ nền dân chủ ở Ukraine từ khi Liên Xô sụp đổ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 21/4 cáo buộc chính quyền Kiev vi phạm thỏa thuận Geneva về giải quyết khủng hoảng Ukraine đạt được tuần trước. Ông Lavrov nói rằng, chính quyền Kiev vẫn chưa tước vũ khí của các nhóm bất hợp pháp, đặc biệt là nhóm Right Sector.

Ngược lại, chính quyền Kiev nói họ ngạc nhiên trước những điều ông Lavrov nói và đổ lỗi cho Nga về sự bất ổn này. Chính phủ Ukraine vừa đưa ra một số bức ảnh và nói rằng một số lính Nga có mặt trong nhóm tay súng đang chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở miền đông Ukraine.

Chính phủ Nga chưa bình luận gì về thông tin này. Ngày 22/4, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nói: “Tôi cho rằng, người Nga và người Ukraine sẽ không chống lại nhau”, Xinhua đưa tin.

Trong cuộc điện đàm trước đó, Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Nga đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng, BBC đưa tin. Ông Lavrov thúc giục người đồng cấp Mỹ “gây ảnh hưởng lên Kiev để ngăn chặn những cái đầu nóng xúi giục một cuộc xung đột đẫm máu”.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã “hối thúc Nga có những bước đi cụ thể để giúp triển khai thỏa thuận Geneva, trong đó có việc công khai kêu gọi những người ly khai rời khỏi các tòa nhà và trạm kiểm soát.

Do quan điểm trái ngược nhau, cuộc điện đàm dẫn đến việc cả hai bên đổ lỗi cho nhau về việc gần như không có thay đổi nào diễn ra ở Ukraine kể từ khi thỏa thuận đạt được thứ Năm tuần trước. Liên minh châu Âu ngày 22/4 kêu gọi tất cả các bên nhanh chóng triển khai thỏa thuận Geneva, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine đang bế tắc.

Mỹ đã có kế hoạch tăng cường trừng phạt kinh tế nếu Nga không thực hiện tốt các cam kết Geneva. Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói trước Quốc hội Nga hôm 22/4 rằng, Nga có thể “giảm thiểu hậu quả” của bất kỳ biện pháp trừng phạt thêm nào, rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Nga sẽ tránh bị thiệt hại do bị phương Tây trừng phạt bằng cách tăng cường xuất khẩu vũ khí sang châu Phi và Mỹ Latin, hãng tin Nga Ria Novosti đưa tin.

Chính phủ Nga sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước đang phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu từ nước ngoài.

“Một số ngành công nghiệp trong nước đang phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài sẽ nhận được hỗ trợ cần thiết từ chính phủ. Chúng ta hoàn toàn không chấm dứt hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có cả phương Tây, nhưng chúng ta sẽ sẵn sàng đối phó những bước đi thiếu thân thiện”, ông Medvedev nói trước Hạ viện.

Trong tương lai gần, Nga sẽ thay đổi phương thức thanh toán tiền khí đốt đối với Ukraine. Theo đó, Kiev sẽ phải trả tiền trước rồi mới được cung cấp khí. Ông Medvedev nói rằng, đây là quyết định khó khăn, nhưng công bằng, nếu khoản tiền nợ mua khí đốt của Ukraine không được thanh toán.

Theo Theo BBC, Itar-Tass