Khủng hoảng tuổi 20 trong sinh viên

SVVN - Dưới sự hướng dẫn của PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, cùng nhóm sinh viên năm thứ ba, khoa Kinh tế Quốc tế, Viện Thương mại & Kinh tế Quốc tế, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã tiến hành khảo sát hàng trăm sinh viên để nắm bắt những khủng hoảng ở tuổi 20 để đề ra những giải pháp hữu hiệu từ nhiều phía, giúp sinh viên vượt qua khủng hoảng, vững bước tới những thành công trong cuộc đời.

Tuổi 20 được xem là độ tuổi đẹp nhất của mỗi con người, là độ tuổi đánh dấu bắt đầu tuổi trẻ hừng hực, đầy khí thế, tràn đầy khao khát và nhiệt huyết. Ở độ tuổi này, con người ta đứng giữa ranh giới giữa trẻ con và người trưởng thành. Nhưng tưởng chừng như ai cũng có thể trải qua khoảng thời gian của tuổi 20 một cách tuyệt vời nhất, thì cạnh chúng ta vẫn còn có những vấn đề khó khăn gây ra khủng hoảng về mặt tâm lý. Với lứa tuổi 20, sẽ gặp các vấn đề về học tập, gia đình, tình cảm cá nhân, các mối quan hệ xã hội... gây ra các hiện tượng về rối loạn, khủng hoảng. Đây chính là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng mà ai trải qua tuổi 20 đều sẽ gặp – Khủng hoảng tuổi 20 sinh viên.

Khủng hoảng tuổi 20 sinh viên hay còn gọi là khủng hoảng một phần tư cuộc đời là cuộc khủng hoảng liên quan đến những mối lo về phương hướng và chất lượng cuộc sống, xảy ra phổ biến nhất trong khoảng độ tuổi từ 18 đến 25. Về mặt tích cực, từ cuộc khủng hoảng này chúng ta có thể nhận thức được bản thân đang dần trưởng thành, rèn luyện thêm nhiều đức tính cần thiết như nhẫn nại, kiềm chế, bình tĩnh và tự tin. Ngược lại, cuộc khủng hoảng này cũng để lại nhiều vấn đề tiêu cực như: làm cho con người sợ hãi trước những biến cố, thu mình lại sống nội tâm hơn, ít hòa nhập với cộng đồng, căng thẳng, không tự tin, mắc các triệu chứng của bệnh tâm lý hoặc nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tự tử... Mỗi giai đoạn cuộc đời mà con người trải qua đều đóng vai trò rất quan trọng trong hiện tại lẫn tương lai. Như vậy, nếu chúng ta có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng tuổi 20 đã là bước thành công đầu tiên trong công cuộc trưởng thành của mỗi người trẻ.

Đối tượng mà nhóm nghiên cứu thực hiện hiện đang là sinh viên của trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Qua một cuộc khảo sát, hiện nay, sinh viên đang gặp nhiều vấn đề khó khăn dẫn đến cuộc khủng hoảng tuổi 20 và rất nhiều bạn chưa tìm ra giải pháp để vượt qua như: khó khăn với việc học ở trên trường; áp lực dồn dập về bài tập và thi cử; hoang mang tìm kiếm công việc sau khi tốt nghiệp; chuyện gia đình; tình cảm cá nhân; về thay đổi môi trường học tập; khủng hoảng xuất phát từ mạng xã hội... Theo thống kê thu được, hầu hết sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân đều lựa chọn cách tự bản thân để vượt qua cuộc khủng hoảng tuổi 20, tiếp đến là tìm đến sự giúp đỡ từ gia đình và người thân và cuối cùng là bỏ qua khó khăn và phân tán khó khăn của mình.

Thực trạng

Theo nghiên cứu của TS Oliver Robinson tại ĐH Greenwich, khoảng thời gian khủng hoảng này có thể được chia thành năm giai đoạn chính:

- Giai đoạn 1: Bạn cảm thấy bị mắc kẹt trong những lựa chọn cuộc đời mình như những vấn đề về trường học, công việc, người yêu, … hoặc thậm chí là tất cả những vấn đề này.

- Giai đoạn 2: Bạn cảm thấy mình cần phải “thoát ra khỏi những suy nghĩ ấy” và ngày càng suy nghĩ mãnh liệt về việc mình cần phải thay đổi.

- Giai đoạn 3: Bạn bỏ học, nghỉ việc, chia tay người yêu… phá vỡ những ràng buộc từng khiến bạn cảm thấy bị trói buộc.

- Giai đoạn 4: Bạn bắt đầu làm lại cuộc sống một cách chậm rãi nhưng chắc chắn hơn.

- Giai đoạn 5: Bạn xây dựng những cam kết mới tương ứng với những sự lựa chọn và ưu tiên mới. 

Khủng hoảng tuổi 20 trong sinh viên ảnh 1

Biểu đồ: Các giai đoạn của khủng hoảng (Đơn vị:%)

Đại đa số sinh viên đang theo học tại ĐH Kinh tế Quốc dân đã tham gia khảo sát đều ở trong hai giai đoạn đầu hoặc không biết bản thân ở trong khủng hoảng hay không. Đây cũng là mặt bằng chung của các bạn sinh viên. Đặc biệt, giai đoạn hai là giai đoạn có số sinh viên nhiều nhất. Giai đoạn hai là giai đoạn quan trọng nhất và kéo dài nhất trong cuộc khủng hoảng. Trong giai đoạn này sự đấu tranh của bản thân sẽ lên đến đỉnh điểm. Giống như giai đoạn hai, giai đoạn một cũng kéo dài, đây là giai đoạn mỗi người nhận ra những vấn đề của bản thân và lâm vào khủng hoảng. Ngược lại với giai đoạn hai, giai đoạn thứ ba là giai đoạn có ít sinh viên nhất. Khi đã trải qua đấu tranh trong giai đoạn thứ hai, giai đoạn thứ ba được xem như giai đoạn đưa ra quyết định, thời gian cho giai đoạn ba rất ngắn.

Đáng lưu ý nhất là bản thân sinh viên không biết bản thân mình có ở trong khủng hoảng hay không. Có tới 129 sinh viên không ý thức được bản thân đang gặp phải chuyện gì. Các giai đoạn bốn và năm còn lại là các giai đoạn làm lại bản thân của mỗi người và con số không quá cao. Và cuối cùng, trong số 600 người tham gia khảo sát chỉ có 35 người thật sự vượt qua khủng hoảng.

Giải pháp

Đối với cá nhân: Trước hết, điều quan trọng nhất là phải xác định bản thân có đang trong giai đoạn khủng hoảng hay không? Việc không ý thức được bản thân rơi vào trạng thái khủng hoảng sẽ làm vấn đề trở nên phức tạp, khó giải quyết hơn. Sau khi đã xác định được bản thân đang rơi vào khủng hoảng, cần bình tĩnh, tìm hiểu vấn đề mà bản thân gặp phải, nguồn gốc và những phương án nào khả thi.

Tiếp theo, để giảm căng thẳng, mỗi cá nhân cần biết tự tạo niềm vui cho mình, cân bằng thời gian giữa việc học tập trên lớp, việc làm thêm với thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Nhiều bạn sinh viên rơi vào khủng hoảng do chưa xác định được tương lai của mình, chính vì vậy việc tự quyết định các vấn để của bản thân, xác định được mục tiêu của mình chính là một giải pháp hữu hiệu giúp họ vượt qua khủng hoảng. Nếu bản thân không thể tìm cách vượt qua khủng hoảng hãy chia sẻ cho người thân trong gia đình và bạn bè. Nhiều nghiên cứu về tâm lý cũng đã chỉ ra rằng nếu càng sống nội tâm, khép kín hoặc cố tình che giấu vấn đề mà bản thân đang gặp phải thì nguy cơ bị khủng hoảng càng cao. Khi gặp phải những vấn đề khủng hoảng nghiêm trọng, hãy tham gia vào các buổi tham vấn tâm lý. Những chuyên gia tham vấn hàng đầu thường không cố gắng giải quyết các vấn đề của bệnh nhân mà thay vào đó, họ sẽ hướng dẫn để bệnh nhân có thể tự tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình một cách hiệu quả hơn. Việc tham gia vào các đoàn, hội hay các câu lạc bộ vừa có thể giải quyết khủng hoảng vừa trau dồi thêm được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

Ngoài ra, mạng xã hội cũng là một nguyên nhân phổ biến khiến sinh viên gặp phải khủng hoảng. Vì vậy, việc sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng là hết sức cần thiết. Khi tham gia bất cứ trang mạng xã hội nào, cần lưu ý ba điều sau. Thứ nhất, nên kết bạn với những người mà mình thực sự quen biết. Thứ hai, không truy cập vào những thông tin vô bổ hay độc hại. Cuối cùng, hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội của bản thân.

Đối với gia đình: Giải pháp đầu tiên là gia đình không tạo áp lực cho sinh viên. Mỗi bậc phụ huynh thay vì đặt mục tiêu và kỳ vọng quá cao, gây áp lực đến con mình, nên đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ, thấu hiểu tâm lý của con cái. Ngoài làm giảm áp lực cho con cái, các phụ huynh cũng bớt thời gian để trò chuyện, nắm bắt tâm tư của con. Thứ hai, gia đình nên quan tâm đến các mối quan hệ xung quanh sinh viên như bạn bè, đồng nghiệp, chủ trọ, nhân viên quản lý ký túc xá, thậm chí cả người yêu và người yêu cũ của con em mình.

Đối với nhà trường: Hằng năm, nhà trường nên tổ chức khảo sát điều tra tâm lý sinh viên. Việc khảo sát tâm lý sinh viên là rất quan trọng, vừa giúp sinh viên nêu lên những khó khăn, khủng hoảng của bản thân, vừa giúp nhà trường đề ra những phương pháp chính xác nhất trong từng hoàn cảnh để giúp sinh viên. Sau khi điều tra, nên thành lập một bộ phận, phòng, ban dành riêng cho việc giải quyết tâm lý cho sinh viên. Đồng thời, đề ra những phương pháp giúp giảm tải áp lực học, thi cử cho sinh viên, giúp sinh viên tạo động cơ và mục đích học tập bằng cách tìm hiểu nắm được đối tượng trò chuyện đặt câu hỏi kích thích để sinh viên tìm hiểu cái hay của nghề nghiệp mình đang theo học, tạo cơ hội cho sinh viên tìm hiểu thực tế, tiếp xúc với môi trường làm việc trong các doanh nghiệp, các công ty…

Theo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Chung tay bảo vệ động vật, thực vật hoang dã

Chung tay bảo vệ động vật, thực vật hoang dã

Theo dữ liệu từ Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa, hơn 8.400 loài động vật và thực vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi gần 30.000 loài khác được coi là có nguy cơ tuyệt chủng hoặc dễ bị tổn thương. Dựa trên những ước tính này, người ta cho rằng hơn một triệu loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sự mất mát liên tục của các loài, môi trường sống và hệ sinh thái cũng đe dọa tất cả sự sống trên Trái đất, bao gồm cả chúng ta.
Ngày hội việc làm - Ulis Job Fair 2022 có hơn 50 đơn vị tuyển dụng trong và ngoài nước

Ngày hội việc làm - Ulis Job Fair 2022 có hơn 50 đơn vị tuyển dụng trong và ngoài nước

SVVN - Ngày 27/11/2022, Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm 2022” tại khuôn viên Trường, địa chỉ số 2 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên do Nhà trường phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước nhằm giới thiệu các cơ hội việc làm tới sinh viên toàn trường.
Sách về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Sách về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

SVVN - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022), Kênh Cùng bạn đọc sách đã giới thiệu một số cuốn sách về ông. Đây là một họat động thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ vị Thủ tướng của nhân dân và góp phần giúp quý bạn đọc có thêm tư liệu tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của người lãnh đạo tài năng của Đảng và Cách mạng Việt Nam.