Khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng nhất thế kỷ 21

Khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng nhất thế kỷ 21
TP - Tế bào thần kinh bị tổn thương và thoái hóa dần theo tuổi tác, gây ra vô số căn bệnh với tên gọi chung là chứng sa sút trí tuệ tạo nhiều gánh nặng đối với gia đình và xã hội.

> Ám ảnh với tai biến mạch máu não
> Gốc tự do - kẻ thù của bộ não

Chưa được quan tâm

Bác sĩ Lê Thị Phương Nga - Trưởng Khoa Lão Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, các bệnh lý liên quan thoái hóa thần kinh không chỉ tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng mà còn tiêu tốn kinh phí khổng lồ cho điều trị. “Những căn bệnh do thoái hóa thần kinh gây ra chủ yếu là sa sút trí tuệ, Parkinson, Alzheimer đang trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21”- bác sĩ Nga nói.

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể các căn bệnh do thoái hóa thần kinh gây ra tại Việt Nam, song theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh và lão khoa, bệnh thoái hóa thần kinh ngày càng tăng.

Bác sĩ Lê Thị Phương Nga cho biết, l khoa có trên 40 giường nhưng lúc nào cũng hoạt động hết công suất. Trung bình, mỗi tháng có khoảng 1.000 bệnh nhân khám và điều trị, trong đó, nhiều bệnh nhân bị sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer đến điều trị.

Đáng báo động là căn bệnh Alzheimer do gốc tự do phá hủy tế bào thần kinh và làm tổn hại nhu mô trên toàn bộ não. Vì vậy, người mắc Alzheimer tử vong sau khoảng 8 – 10 năm.

Cho đến nay, chưa tìm ra phương pháp chữa trị Alzheimer nhưng có thể làm chậm tiến trình bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, toàn thế giới có 35,6 triệu người bị sa sút trí tuệ, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 với 65,7 triệu. Chi phí điều trị và chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ lên đến 604 tỷ USD.

Tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định có 1.700 bệnh nhân Parkinson được khám và điều trị trong năm 2012. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2013 có gần 400 bệnh nhân và gần 300 bệnh nhân mắc chứng sa sút tâm thần - chứng bệnh được coi do thoái hóa thần kinh khám và điều trị.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Thống nhất TPHCM, tuy chỉ khám 3 ngày/tuần nhưng đã khám khoảng trên dưới 120 bệnh nhân Parkinson, khoảng 10 - 20 bệnh nhân sa sút trí tuệ nội trú và hàng trăm bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày.

Theo bác sĩ Phương Nga hiện người Việt vẫn chưa quan tâm nhiều đến các bệnh lý thoái hóa thần kinh, trong khi đang diễn ra song song hai tiến trình đáng ngại: dân số ngày càng già đi, độ tuổi mắc bệnh thì ngày càng trẻ hóa nên nguy cơ bệnh lý thoái hóa thần kinh sẽ sớm trở thành một trong những căn bệnh phổ biến và gây lo ngại bậc nhất.

Mặc dù vậy, hiện nay công tác chăm sóc và điều trị bệnh còn nhiều khoảng trống và thách thức khi trên cả nước mới chỉ có khoảng chục phòng khám chuyên về sa sút trí tuệ và không nhiều cơ sở chuyên về lão khoa.

Tác động lớn từ môi trường

Theo bác sĩ Phương Nga, bệnh suy giảm trí nhớ là do sự tấn công của gốc tự do, trung bình mỗi người từ sau tuổi 25 sẽ bị mất khoảng 3.000 tế bào thần kinh mỗi ngày.

Liên kết giữa các tế bào thần kinh cũng bị giảm về cả chất lượng lẫn số lượng làm ảnh hưởng đến chức năng của não, gây suy giảm trí nhớ. “Ước tính có khoảng 50% số người suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ trong 3 năm sau đó” - người này cho biết .

Thống kê cho thấy những người sống trong môi trường ô nhiễm, stress và dinh dưỡng nhiễm độc gặp nhiều các vấn đề về trí nhớ. Trong khi đó, bệnh là một hội chứng bao gồm nhiều bệnh và tình trạng xuất hiện khi tế bào thần kinh não bị chết hoặc không thực hiện được chức năng.

Biểu hiện thường gặp của sa sút trí tuệ bao gồm: từ từ giảm khả năng nhớ các thông tin mới, giảm trí nhớ làm ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày, khó lên kế hoạch hoặc xử lý công việc, gặp vấn đề với từ ngữ khi nói hoặc viết, thay đổi tính tình, tâm trạng… Bệnh diễn tiến xấu dần, dẫn đến mất khả năng tư duy, mất khả năng tự chăm sóc bản thân và cuối cùng dẫn đến tử vong.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG