Khủng hoảng phủ bóng Davos

TPO - Hàng loạt cuộc khủng hoảng khiến nhiều lãnh đạo thế giới không thể đến Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos vào tuần tới, khi sự kiện này diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế và chính trị toàn cầu ngày càng u ám.
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Borge Brende tại cuộc họp báo trước thềm sự kiện sắp diễn ra ở Davos. (Ảnh: Denis Balibouse)

Lo lắng về chiến tranh thương mại, chia rẽ trong quan hệ quốc tế, Brexit và tăng trưởng kinh tế chậm gây lo ngại có thể đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái và dự kiến sẽ là những vấn đề phủ bóng lên sự kiện diễn ra từ ngày 22-25/1.

Báo cáo Rủi ro toàn cầu của WEF đã cảnh báo rõ ràng về những con gió ngược đó, một phần do những căng thẳng địa chính trị giữa các cường quốc.

Khoảng 3.000 lãnh đạo chính phủ, xã hội dân sự và doanh nhân dự kiến sẽ gặp nhau tại khu resort trượt tuyết ở Davos, nhưng trong số đó chỉ có 3 lãnh đạo từ nhóm G7, gồm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte.

Ông Donald Trump, người thu hút mọi ánh nhìn tại Davos trong sự kiện năm ngoái với lần xuất hiện hiếm hoi của một tổng thống Mỹ đương nhiệm, năm nay không tham gia vì đang đau đầu với tình trạng chính phủ đóng cửa một phần.

Hôm 17/1, Nhà Trắng cho biết ông Trump đã hủy chuyến đi của phái đoàn Mỹ đến Davos vì chính phủ đóng cửa, giờ đã sắp được 1 tháng. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mike Pompeo trước đó được dự kiến sẽ dẫn đầu đoàn Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm nay cũng không đến Davos vì bận xử lý các cuộc biểu tình của phe “áo vàng”, còn Thủ tướng Anh Theresa May còn phải tìm sự đồng thuận trong nước đối với Brexit.

Ngoài G7, lãnh đạo Nga và Ấn Độ đang phớt lờ Davos, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên dự hội nghị này vào năm 2017, nhưng năm nay cử cấp phó sang.

Điều đó sẽ khiến những quan chức cấp thấp hơn như Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và các lãnh đạo ngân hàng trung ương phải làm nhiệm vụ trấn an các lãnh đạo doanh nghiệp.

“Davos sẽ bị lấn át bởi nỗi lo lắng lớn đối với thị trường chứng khoán, tăng trưởng kinh tế chậm lại và chính trị quốc tế”, ông Nariman Behravesh, nhà kinh tế trưởng tại hãng dịch vụ thông tin toàn cầu IHS Markit, đánh giá.

“Sự hiện diện của lãnh đạo thế giới trong sự kiện năm nay ít hơn năm ngoái, nhưng những người đến dự sẽ nỗ lực tạo cảm giác tin tưởng và trấn an nỗi lo của các doanh nhân và nhà đầu tư”, ông Behravesh nói.

Trước khi chuyến của đoàn Mỹ bị hủy, một quan chức của chính quyền Trump nói rằng phái đoàn Mỹ sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc cải cách các thể thế như Tổ chức Thương mại thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới.

Ông Trump vẫn chỉ trích mạnh mẽ toàn cầu hóa và chất vấn sự tham gia của Mỹ vào các thể chế đa phương như WTO. Ông cũng kêu gọi thay đổi quy tắc thương mại toàn cầu.

Các nhà quan sát Davos cho rằng sự vắng mặt của nhiều lãnh đạo thế giới năm nay không có nghĩa là diễn đàn này đã mất vị thế của một sự kiện quy tụ các chính trị gia hàng đầu để họ trình bày chương trình nghị sự của mình.

“Ông Abe sẽ đến Davos không chỉ với tư cách Thủ tướng Nhật mà còn là chủ tịch G20. Đó sẽ là cơ hội hoàn hảo để chuẩn bị cho cuộc gặp sắp tới của nhóm này”, một quan chức giấu tên của chính phủ Nhật cho biết.

Một quan chức Trung Quốc thường xuyên dự diễn đàn ở Davos các kỳ trước nói rằng Trung Quốc không bao giờ kỳ vọng đạt được tiến triển với Mỹ về chiến tranh thương mại tại diễn đàn này. “Đó chỉ là cơ hội để đưa ra tuyên bố chính trị”, ông nói.

Theo theo Reuters