Khủng hoảng niềm tin chất lượng tiến sĩ

Khủng hoảng niềm tin chất lượng tiến sĩ
TP - Đọc tên đề tài, đoán nội dung luận án tiến sĩ. Đó là thực trạng đang diễn ra tại Việt Nam đối với đề tài tiến sĩ được bảo vệ trong nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phán xét đó có hai nguyên nhân. Thứ nhất xuất phát từ yêu cầu minh bạch hóa thông tin luận án. Thứ hai, quan trọng hơn, đó là sự khủng hoảng niềm tin vào chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay tại Việt Nam.
Khủng hoảng niềm tin chất lượng tiến sĩ ảnh 1

Dư luận đòi hỏi, chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam cần được nâng cao hơn nữa, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số bình luận liên quan đến đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ của một nghiên cứu sinh tại TPHCM. Nghiên cứu sinh đăng thông tin đề tài luận án trên trang cá nhân để mời bạn bè đồng nghiệp đến dự lễ bảo vệ. Ngay sau đó, tên đề tài đã được một số người khác lấy lại, đưa lên tường Facebook của mình bình luận. Trong số đó, có không ít người là giáo sư, phó giáo sư, những người cùng hoạt động nghiên cứu khoa học. Sự “ném đá” tập thể đó thực sự đã gây cho nghiên cứu sinh một cú sốc trước khi bảo vệ luận án. Để chứng minh luận án của mình không “vớ vẩn” như mọi người tưởng, nghiên cứu sinh đã phải gửi toàn bộ luận án cho một số giáo sư, phó giáo sư viết “tút” bình luận trên mạng Facebook. Ngay sau khi đọc xong luận án của nghiên cứu sinh, các giáo sư, phó giáo sư đã phải hạ “tút” và gửi lời xin lỗi đến nghiên cứu sinh.

Theo một chuyên gia, thật không may cho nghiên cứu sinh trên khi đề tài của anh xuất hiện đúng thời điểm nhạy cảm nhất của trong việc nghiên cứu khoa học, khi mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra một loạt những vấn đề liên quan đến đào tạo tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội Việt Nam. Luận án của anh chỉ như “giọt nước tràn ly”.

Bình luận về hiện tượng này, nghiên cứu sinh Phạm Hiệp, trường ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan cho rằng, hiện tượng trên  xuất phát từ nguyên nhân đó là đòi hỏi sự minh bạch thông tin của xã hội, đòi hỏi phải có thang đo nghiêm túc của giới hàn lâm. “Nhưng nếu chỉ dựa vào tiêu đề của luận án để đánh giá thì theo tôi, đây là cách tiếp cận không khoa học. Đang dùng một cái sai để chứng minh một cái khác” - ông Phạm Hiệp chia sẻ.

Theo ông Hiệp, nguyên nhân của hiện tượng trên xuất phát từ sự mất niềm tin của xã hội vào kết quả nghiên cứu của giới khoa học và nó  là một chỉ dấu cho thấy điều này. Niềm tin của xã hội đang xuống khá thấp.

Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế từ Đại học bang New York, Albany, Hoa Kỳ, TS. Nguyễn Kiều Dung cho rằng có nhiều người không trong giới nghiên cứu hoặc không trong các ngành KHXH&NV cho nên không có trực giác về tên đề tài của các ngành đấy. Nên tùy tiện “kết tội” người khác về những thứ mà họ không hiểu. “Nhưng nguyên nhân sâu xa chắc là vì họ khó chịu với việc đào tạo tiến sỹ bừa bãi trong các ngành KHXH&NV. Nhưng không thể nói tùy tiện như vậy” - TS. Kiều Dung cho hay.

Cũng theo bà, hiện tượng trên đứng ở khía cạnh nào đó là sự phản ứng của dư luận, sự mất lòng tin vào đào tạo tiến sĩ trong nước hiện nay.

Cần có kỳ kiểm tra đánh giá chất lượng quốc gia

Để có thể khắc phục những hạn chế trong đào tạo tiến sĩ hiện nay tại Việt Nam, TS. Nguyễn Kiều Dung cho rằng Bộ GD&ĐT nên phát hành bộ tài liệu chuẩn kiến thức cơ bản cho chương trình tiến sĩ của các ngành. Các trường có thể dạy nghiên cứu sinh theo bộ tài liệu này. Đồng thời, Bộ tổ chức thi kiểm tra chất lượng tiến sĩ hàng năm. Sau khi nghiên cứu sinh vượt qua được kỳ thi đó thì mới được phép bắt tay làm nghiên cứu. “Như vậy sẽ giảm được rất nhiều nghiên cứu sinh rởm. Đến thời điểm này chỉ có làm như vậy mới nâng cao được chất lượng tiến sĩ thôi” - TS. Kiều Dung nêu quan điểm.

 Theo TS. Kiều Dung, Bộ phải mời nhà nghiên cứu có uy tín của từng ngành, trong đó có các nhà khoa học Việt kiều, soạn bộ tài liệu chuẩn, làm thí điểm một số ngành trước. Sau khi thành công, các ngành khác sẽ bị áp lực làm theo. Ví dụ trong ngành KHXH&NV thì khối kinh tế đào tạo rất nhiều tiến sĩ có thể làm trước. Dựa vào bộ tài liệu, Bộ tổ chức thi kiểm tra tập trung như thi ĐH. Một năm có thể tổ chức một đến hai lần.

Từng làm nghiên cứu sinh tại Mỹ, TS. Nguyễn Kiều Dung cho biết, các tiến sĩ ở nước ngoài cũng đều phải thi kiểm tra chất lượng như vậy sau 2 năm học đầu tiên. Thi đỗ mới được bắt đầu làm nghiên cứu. Ở nước ngoài chỉ cho phép thi 2-3 lần, không đỗ phải ra khỏi trường, có thể chuyển sang trường khác học rồi thi lại. Thế nên chỉ có khoảng 40% số người học tiến sĩ ở nước ngoài lấy được bằng tiến sĩ. Hơn nữa, họ còn học toàn thời gian chứ không bán thời gian như ở Việt Nam. Còn ở Việt Nam, có thể nhân nhượng cho thi thoải mái bao giờ đỗ thì thôi. “Thật ra nếu muốn phải giảm số lượng tiến sĩ các ngành KHXH&NV, một kỳ  thi chất lượng sẽ làm được điều đấy. Vì nhiều người chạy tiền chứ có học hành gì đâu” - Tiến sĩ Nguyễn Kiều Dung nói.

Còn nghiên cứu sinh Phạm Hiệp thì cho hay, giải pháp trước hết là cần minh bạch thông tin hơn nữa đối với các luận án tiến sĩ. Vấn đề nữa là tiêu chí luận án. Quy chế tiến sĩ mới đã có nhiều quy định tiến bộ, siết chất lượng tiến sĩ. Đó là yêu cầu phải có bài báo quốc tế. Nhưng yêu cầu cao thì phải hỗ trợ cao. Sự hỗ trợ hiện nay đối với người làm luận án tiến sĩ chưa song hành với yêu cầu cao. Cần phải có quỹ học bổng cho nghiên cứu sinh. Hiện nay, phần lớn nghiên cứu sinh làm tại chức, vừa đi học vừa đi làm. Điều này đã làm giảm chất lượng nghiên cứu.

“Ở nước ngoài chỉ cho phép thi 2-3 lần, không đỗ phải ra khỏi trường. Thế nên chỉ có khoảng 40% số người học tiến sĩ ở nước ngoài lấy được bằng tiến sĩ. Hơn nữa, họ còn học toàn thời gian chứ không bán thời gian như ở Việt Nam. Còn ở Việt Nam, có thể nhân nhượng cho thi thoải mái bao giờ đỗ thì thôi”.

Tiến sĩ Nguyễn Kiều Dung

MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.