Khung giá đất mới cao nhất 162 triệu đồng/m2

Khung giá đất tăng sẽ giúp tăng thu ngân sách Nhà nước nhưng đồng thời cũng trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp và người mua nhà.
Khung giá đất tăng sẽ giúp tăng thu ngân sách Nhà nước nhưng đồng thời cũng trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp và người mua nhà.
Giá đất ở cao nhất áp dụng cho đô thị đặc biệt vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ tăng lên 162 triệu đồng/m2, gấp đôi so với mức hiện hành 67,5 triệu đồng/m2.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định khung giá đối với từng loại đất, theo từng vùng quy định tại Điều 113 của Luật Đất đai. Nghị định có hiệu lực từ 29/12/2014.

Theo Nghị định, khung giá đất gồm 2 nhóm: Nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp.

Với nhóm đất nông nghiệp, Chính phủ ban hành khung giá đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác; khung giá đất trồng cây lâu năm; khung giá đất rừng sản xuất; khung giá đất nuôi trồng thủy sản và khung giá đất làm muối.

Nhóm đất phi nông nghiệp có khung giá đất đối với: Đất ở tại nông thôn; đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; đất ở tại đô thị; đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị.

Giá đất cao nhất 162 triệu đồng/m2

Theo Nghị định, đất ở tại các đô thị có giá tối thiểu thấp nhất là 40.000 đồng/m2 áp dụng với đô thị loại V vùng Bắc Trung Bộ.

Mức giá tối đa cao nhất đối với đất ở tại các đô thị là 162 triệu đồng/m2, áp dụng cho đô thị loại đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ.

Đối với khung giá đất thương mại, dịch vụ tại các đô thị, Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Đông Nam Bộ đều có khung giá đất từ 120.000 - 129,6 triệu đồng/m2 tùy loại đô thị.

Khung giá đất ở tại nông thôn được chia theo từng vùng kinh tế, từng loại xã. Trong đó, thấp nhất là xã miền núi vùng Tây Nguyên với giá tối thiểu là 15.000 đồng/m2; cao nhất là xã đồng bằng vùng Đồng bằng sông Hồng với giá tối đa 29 triệu đồng/m2.

Theo khung giá đất ở tại nông thôn, xã đồng bằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có giá đất tối thiểu là 40.000 đồng/m2, tối đa là 15 triệu đồng/m2; xã đồng bằng vùng Đông Nam Bộ có giá đất tối thiểu 60.000 đồng/m2, tối đa là 18 triệu đồng/m2; xã đồng bằng vùng Đồng bằng sông Hồng có giá tối thiểu 100.000 đồng/m2, tối đa là 29 triệu đồng/m2.

Xã đồng bằng vùng Trung du và miền núi phía Bắc có giá đất tối thiểu là 50.000 đồng/m2, tối đa là 8,5 triệu/m2; xã miền núi của vùng này có giá đất tối thiểu là 25.000 đồng/m2, tối đa là 9,5 triệu/m2…

Giá đất tăng: Ai thiệt

Một chuyên gia bất động sản từng nhìn nhận, khung giá đất đang áp dụng hiện đã quá lạc hậu dẫn đến tình trạng giá đất thị trường cao hơn nhiều lần so với bảng giá đất của địa phương. Giá trần của khung giá đất thấp sẽ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước vì thuế, phí và tiền phạt vi phạm hành chính đều tính theo bảng giá đất thấp. Theo một số chuyên gia, tăng khung giá đất có thể giúp tăng ngân sách thêm 5%.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thậm chí còn lạc quan cho rằng, việc tăng giá đất là một bước đi tốt và nếu chỉ giữ khung giát đất ở mức 60 triệu đồng/m2 như hiện tại còn là một bi kịch của thị trường, gây thiệt thòi lớn cho ngân sách Nhà nước. Ông Võ còn cho rằng, để phù hợp, giá đất trong thực tế phải cao hơn, cỡ tối đa 500 triệu đồng/m2 mới phù hợp với thực tế.

Tuy nhiên, việc khung giá đất tăng gấp đôi lại khiến giới kinh doanh bất động sản hết sức lo ngại. Với khung giá đất cao hơn so với hiện tại, số tiền mà chủ đầu tư phải bỏ ra để thực hiện nghĩa vụ với nhà nước sẽ tăng. Theo đó, chắc chắn giá bất động sản sẽ phải chịu ảnh hưởng, một mặt bằng giá mới cũng sẽ phải hình thành.

Trong khi thực tế, với mặt bằng giá đất hiện nay, tình trạng nợ tiền sử dụng đất đã diễn ra khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp không ngại giấu diếm chia sẻ về cái vòng luẩn quẩn: nợ tiền sử dụng đất khiến họ không triển khai dự án để bán được hàng, tiếp đó không bán được hàng lại càng thiếu nguồn lực tài chính.

Chia sẻ với báo chí, nhiều doanh nghiệp thừa nhận, tiền sử dụng đất gia tăng sẽ "đè" doanh nghiệp, khiến không ít doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng lao đao. "Giá đất tăng sẽ khiến giá thành nhà bị đội lên, khiến doanh nghiệp bất động sản khó xả hàng tồn. Trong khi đó, giấc mơ sở hữu nhà với đại đa số người dân lại càng thêm xa vời", chủ một doanh nghiệp địa ốc chia sẻ.

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG