Khu tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan xuống cấp nghiêm trọng

Khu tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan xuống cấp nghiêm trọng
Hiện nay khu tượng đài liệt sĩ Cù Chính Lan - Người dũng cảm dùng vũ khí thô sơ diệt xe tăng Pháp trên quốc lộ 6 (cũ) - thuộc địa bàn xã Bình Thanh (Kỳ Sơn, Hoà Bình) đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Tấm bia đá lưu dấu chiến công đã bị nứt vỡ, lư cắm hương không còn, lan can bị phá hư hỏng, chân tượng dài bị lún nứt, cỏ dại mọc xung quanh. Tượng đài dường như lạc lõng, trơ trọi giữa những ngọn núi đang bị khai thác đá nham nhở. Xung quanh chỉ có âm thanh của mìn phá đá, máy nghiền đá, ôtô vận chuyển và bụi phủ kín...

Nhìn hiện trạng của một di tích lịch sử như vậy, ai cũng phải chạnh lòng xót xa. Hoạ sĩ Mai Chí Tẩu - Người thiết kế tượng đài - ngậm ngùi: Ý tưởng thiết kế tượng đài là làm sao thể hiện được khoảng khắc lịch sử của người Anh hùng Cù Chính Lan để đời sau hình dung được sự dũng cảm của ngừơi chiến sĩ cách mạng năm xưa. Tôi cảm thấy thật buồn trước tình trạng tượng đài bị bỏ quên như hiện nay.

“Ngày ấy, tại dốc Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Kỳ Sơn, với khẩu súng tiểu liên và quả lựu đạn thô sơ, Cù Chính Lan đã một mình đánh gục xe tăng Pháp, nêu tấm gương nhiều ý nghĩa... Tám tháng sau ngày hy sinh, Cù Chính Lan được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 10/8/1952)"
Trích bảng lưu dấu chiến công anh hùng

Nhận thấy tầm quan trọng của chiến công anh hùng Cù Chính Lan, năm 1965, ngành Văn hóa - Thông tin Hà Sơn Bình (cũ) đã có công văn đề nghị ghi danh sự kiện này. Năm 1993, Bộ Văn hoá - Thông tin đã quyết định công nhận khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 1994, Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để tỉnh xây dựng tượng đài và khu di tích.

Sau khi hoàn thành, công trình Tượng đài Cù Chính Lan đã đón tiếp nhiều đoàn cựu chiến binh trong nước đến thăm và ôn lại truyền thống, thăm lại chiến trường xưa. Nhiều trường học xung quanh khu vực khu di tích cũng thường tổ chức cho học sinh hành quân về tượng đài để học tập truyền thống hào hùng của người chiến sĩ cách mạng. Ở phường Chăm Mát (thị xã Hoà Bình) có một ngôi trường vinh dự được mang tên người anh hùng: trường THCS Cù Chính Lan.

Ông Văn Hồng Lương - Người cựu chiến binh từng tham gia các trận đánh cùng Anh hùng Cù Chính Lan năm xưa - nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình hướng dẫn những đồng đội cũ và học sinh đến tham quan, ôn lại truyền thống tại tượng đài.

Mỗi lần đến đây, ông luôn cảm thấy day dứt vì tình trạng xuống cấp của tượng đài nhưng "không biết kêu ai". Ông cho biết: Đây là một di tích lịch sử quan trọng, nó góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau. Việc xuống cấp của tượng đài ngày hôm nay trách nhiệm thuộc về toàn xã hội. Mỗi năm, ông Lương lại thấy Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan thưa vắng dần bóng người tới thăm.

Trao đổi về tình trạng xuống cấp của Tượng đài Cù Chính Lan, Phòng Quản lý văn hoá thuộc Sở Văn hóa -Thông tin cho biết, việc quản lý, bảo vệ khu di tích thuộc về huyện Cao Phong mà trực tiếp là xã Bình Thanh.

Làm việc với xã Bình Thanh, ông Đinh Văn Bình - Chủ tịch UBND xã - cho biết: Mặc dù được giao quản lý, bảo vệ tượng đài cũng như khu di tích nhưng cho đến nay, xã chưa hề nhận được một khoản tiền nào của ngành văn hoá dành cho việc duy tu, sửa chữa và quét vôi tượng đài. Xã đã đề nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết; do đó đã dẫn đến việc buông lỏng quản lý, làm cho tượng đài xuống cấp như hiện nay.

Việc cảnh quan môi trường xung quanh tượng đài đang bị xâm hại nghiêm trọng, ngành văn hoá cũng đã biết, song việc khai thác đá của các đơn vị đang khai thác ở đây đã được cấp phép từ trước khi xây dựng tượng đài nên đến nay chưa tìm ra biện pháp nào để khắc phục.

Chúng tôi được biết, trước khi xây dựng công trình tượng đài - người ta đã nhìn thấy việc khai thác đá sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng cũng như cảnh quan môi trường của công trình nhưng ngành văn hoá vẫn quyết định chọn địa điểm đó để xây dựng tượng đài.

Một điều lạ là tượng đài nằm trên trục đường dẫn đến làng du lịch văn hoá Giang Mỗ, nơi thường xuyên đón tiếp khách tham quan trong nước và quốc tế, thế nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng lại "bỏ quên" một di tích lịch sử cấp quốc gia, dẫn đến tình trạng xuống cấp như hiện nay.

Đã nhiều lần, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về tình trạng xuống cấp của công trình Tượng đài Cù Chính Lan nhưng chưa nhận đựơc sự quan tâm của ngành chức năng.

Để khắc phục tình trạng xuống cấp của tượng đài, theo hoạ sĩ Tẩu, ông Lương và lãnh đạo xã Bình Thanh thì tỉnh cần có kế hoạch di chuyển tượng đài về đúng nơi mà Anh hùng Cù Chính Lan đã diệt xe tăng Pháp, đưa xác chiếc xe tăng trở lại khu di tích (hiện nay, xác chiếc xe tăng đang được để tại Nhà Bảo tàng tỉnh), xây tường bao kiên cố để bảo vệ, dành một khoản kinh phí để địa phương trực tiếp quản lý, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng khu di tích; đồng thời có kế hoạch chuyển khu vực khai thác đá sang nơi khác để đảm bảo an toàn cũng như giữ nguyên cảnh quan môi trường sinh thái cho khu di tích.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.