Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đón gần 90 triệu du khách

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trở thành di sản văn hóa vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam. Nơi đây không chỉ lưu giữ những dấu ấn về cuộc đời hoạt động cách mạng cùng những đóng góp to lớn của Người cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mà còn là nơi tỏa sáng lối sống, phong cách của vị lãnh tụ vĩ đại.

Di sản văn hóa vô giá

Hàng trăm đại biểu là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, đại diện các bộ, ban, ngành có mặt tại hội thảo khoa học 55 năm ngày Bác đi xa - 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức ngày 18/6.

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc của Người, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024)...

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đón gần 90 triệu du khách ảnh 1

Hội thảo khoa học 55 năm ngày Bác đi xa - 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024) được tổ chức ngày 18/6.

Quần thể khu di tích gồm có 13 di tích (Phủ Chủ tịch, Nhà 54, Nhà sàn, Phòng họp Bộ Chính trị, Nhà 67, Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Bác ký sắc lệnh, Hầm H66, Hầm D1...), 1.738 tài liệu, hiện vật vốn có thuộc các nhà di tích, các di tích ngoài trời như ao cá, giàn hoa Phủ Chủ tịch, Đường xoài, đường mòn Hồ Chí Minh… Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong 10 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt đợt đầu tiên.

Phát biểu khai mạc, TS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất. Sự ra đi của Người để lại cho đất nước một di sản văn hóa vô giá đó là Khu di tích về Người tại Phủ Chủ tịch.

“Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc suốt 15 năm cuối đời. Tại đây, trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người đã cùng Bộ Chính trị, T.Ư Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Trải qua bao biến động lịch sử và thời gian chiến tranh ác liệt, di sản nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ an toàn chu đáo, hạn chế đến mức thấp nhất mọi tác động ảnh hưởng từ tự nhiên và con người. Đây là nơi tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng và cuộc sống đời thường của Bác”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nêu.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đón gần 90 triệu du khách ảnh 2
Trải qua bao biến động lịch sử, chiến tranh ác liệt, di sản nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ an toàn, gần như không bị ảnh hưởng từ tự nhiên và con người.

Không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn những di sản về Bác, khu di tích có những đặc thù hoàn toàn khác biệt. Bà Lê Thị Phượng - Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - cho biết không chỉ chú trọng công tác bảo tồn, những người quản lý còn phát huy mạnh mẽ nhất giá trị của khu di tích.

“55 năm qua, khu di tích đã đón gần 90 triệu khách từ khắp mọi miền đất nước, từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ, nhiều đoàn khách cấp cao đã để lại những dòng cảm tưởng trân trọng”, bà Lê Thị Phượng cho biết.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đón gần 90 triệu du khách ảnh 3Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đón gần 90 triệu du khách ảnh 4

55 năm qua, khu di tích đã đón gần 90 triệu khách từ khắp mọi miền đất nước và hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - khẳng định khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có giá trị to lớn, bởi nơi đây lưu giữ những dấu ấn về cuộc đời hoạt động cách mạng cùng những đóng góp to lớn của Người cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ông cho rằng trong 15 năm ở Phủ Chủ tịch là giai đoạn tư tưởng của Người có sự hoàn thiện, phát triển lên một tầm cao mới với sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn…

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đón gần 90 triệu du khách ảnh 5

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi lưu giữ những dấu ấn về cuộc đời, hoạt động cách mạng cùng những đóng góp to lớn của Người cho sự nghiệp cách mạng dân tộc.

“Giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết gần 100 bài viết, bài nói chuyện, bức điện trong đó có những tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn có tầm tư tưởng mang dấu ấn thời đại như Đạo đức cách mạng, Tài liệu Tuyệt đối bí mật (Di chúc), Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân…”, GS.TS Lê Văn Lợi nêu.

Những cận vệ của Người cho rằng khu di tích cũng là nơi tỏa sáng lối sống, phong cách sống của vị lãnh tụ vĩ đại mà gần gũi của cả dân tộc Việt Nam. TS. Trần Viết Hoàn - nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - vinh hạnh khi có nhiều năm làm cận vệ, canh gác, bảo vệ Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch. Sau ngày Bác ra đi, ông tình nguyện rời tay súng để cầm chổi, cây bút làm nhiệm vụ bảo vệ di sản của Người.

“Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác nêu gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, về tư tưởng, trí tuệ, nhân cách, đạo đức, lối sống để mọi thế hệ người Việt Nam theo đó mà học tập và xem xét mình trong cuộc hành trình của cuộc đời mình”, TS. Trần Viết Hoàn nhấn mạnh.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đón gần 90 triệu du khách ảnh 6Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đón gần 90 triệu du khách ảnh 7

Một số di vật của Bác Hồ được lưu giữ tại khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Để tiếp tục nâng cao giá trị khu di tích Phủ Chủ tịch gắn với phát huy tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, các chuyên gia đề xuất Ban giám đốc khu di tích cần chủ động nghiên cứu, xây dựng nội dung hoạt động phù hợp, sát thực tiễn để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

“Khu di tích cần tìm tòi những giải pháp nhằm đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp tuyên truyền. Bên cạnh hình thức thuyết minh trực tiếp cần thường xuyên tổ chức nói chuyện chuyên đề về cuộc đời, sự nghiệp, di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các đơn vị, trường học... trao đổi kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, có hiệu quả trong học tập và làm theo Bác”, TS. Đinh Quang Thành - Phó tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị - đề xuất.

Mỗi cán bộ của khu di tích cần xây dựng những chuyên đề giới thiệu theo sát nội dung di sản Hồ Chí Minh, sưu tầm và chọn lọc những câu chuyện kể sát với nội dung chủ đề, gắn với từng tài liệu, hiện vật...

MỚI - NÓNG
Vùng Cảnh sát biển 4 và Sở Chỉ huy chiến thuật tiền phương Campuchia trao đổi về đường dây nóng
Vùng Cảnh sát biển 4 và Sở Chỉ huy chiến thuật tiền phương Campuchia trao đổi về đường dây nóng
TPO - Chiều 27/9, tại Kiên Giang, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 và đoàn công tác Sở Chỉ huy chiến thuật tiền phương Campuchia có cuộc tọa đàm, trao đổi về kết quả thực hiện Cơ chế liên lạc đường dây nóng đã được ký kết giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Ủy ban quốc gia An ninh, hàng hải Campuchia trong thời gian qua.