Khu đất 'vàng' bên sông Hương nên dành cho các công trình VHNT

Khu đất 'vàng' bên sông Hương nên dành cho các công trình VHNT
TP - Gọi là “vàng” vì khu đất cạnh bờ Nam sông Hương này ở một vị trí “đắc địa”: đoạn giữa cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân, một bên là đường Lê Lợi và bên kia là phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.
Khu đất 'vàng' bên sông Hương nên dành cho các công trình VHNT ảnh 1
Khu đất trống ven Sông Hương

Mấy năm qua, khu đất này gần như “bỏ hoang”, không kể một vài cơ quan tuy đang làm việc ở đây nhưng đã có kế hoạch xây trụ sở khác như Ủy ban nhân dân thành phố Huế, hoặc có thể dễ dàng chuyển nơi làm việc (như Trung tâm Festival, Công ty Lữ hành Hương Giang...).

Theo tôi, khu đất đặc biệt này nên dành để xây dựng các công trình văn hóa - nghệ thuật là thích hợp hơn cả với một thành phố là trung tâm văn hóa - du lịch của cả nước như Huế. Xin nêu mấy “căn cứ” để xem xét:

+ Trong lễ khánh thành Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, một số hoạ sĩ tên tuổi của Huế đã nói với tôi: “Đã đành Lê Bá Đảng là họa sĩ tài danh, nhưng một mình ông được cả một toà biệt thự đẹp, không lẽ mấy thệ hệ hoạ sĩ Huế với những tên tuổi như Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Vĩnh Phối, Bửu Chỉ, Đỗ Kỳ Hoàng, Trương Bé, Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận… không có tác phẩm đáng lưu giữ sao? Tôi và một số văn nghệ sĩ khác, đã nhiều lần chính thức nêu vấn đề “Huế cần có một Bảo tàng Mỹ thuật”, nhưng chưa có tiếng nói đáp lại.

+ Trong các cuộc họp của Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, nhà văn Tô Nhuận Vĩ, rồi Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân đều nêu ý kiến cần đề nghị Tỉnh có kế hoạch xây dựng nhà bảo tàng - nói khiêm tốn thì gọi là “Nhà lưu niệm” văn nhân xứ Huế...

Không kể những người đang sống, chỉ cần nhắc các tên tuổi như Hải Triều, Tố Hữu, Thanh Tịnh, Phùng Quán…, xa hơn là Ưng Bình Thúc Giạ, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh, Mai Am Huệ Phố… cũng thấy là việc các nhà văn Huế đề xuất rất đáng được quan tâm...

Đó là chưa nói đến những nghệ sĩ ca múa cung đình tài danh đã nuôi dưỡng, quảng bá môn nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là “Di sản phi vật thể của nhân loại, rồi Đặng Huy Trứ - “ông tổ” của ngành nhiếp ảnh Việt Nam…

Từ đó, theo tôi, khu đất “Vàng ròng” nói trên nên dành để xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn và các văn nghệ sĩ xứ Huế.

Nếu dự định dành trụ sở UBND thành phố hiện nay cho nhà Bảo tàng nghệ thuật dân gian được thực hiện (sau khi Khu hành chính tập trung của thành phố Huế được xây dựng xong) thì cùng với Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, vùng đất đặc biệt này sẽ thành một dãy công trình văn hóa liên hoàn, một địa chỉ văn hóa mới có giá trị của Huế, có sức thu hút du khách.

Trong một số dịp tiếp xúc, tôi đã nêu đề nghị trên với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Huế; ý kiến phản hồi là dè dặt (nếu không muốn nói là né tránh).

Có đồng chí bảo “Ủy ban tỉnh chưa bàn đến”, đồng chí khác lại nói “cần phải có cơ quan chính thức đề nghị…” Cũng có người nói nơi này, nơi kia “Hương Giang” đã mua và “nhiều người đang nhắm nhe!”

Thực ra, quan trọng là cách nhìn vấn đề, xem “văn hoá” và “kinh doanh” ở đây bên nào nặng hơn, chứ giả như “Hương Giang” đã mua Trụ sở Đài phát thanh cũ, nếu dự án xây dựng không thích hợp với cảnh quan thì việc thu hồi hay “trả lại” cho Nhà nước, thiết nghĩ không có gì khó khăn.

Vì thế, tôi đưa vấn đề ra công luận và đề nghị:

- Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng với Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật có cuộc họp liên ngành và chính thức đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố Huế cách sử dụng khu đất này.

- Đưa vấn đề ra cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh và thành phố Huế là cơ quan có quyền lực cao nhất tỉnh để quyết định.

- Phát động cuộc thi thiết kế các công trình văn hóa sẽ xây dựng sao cho thực sự là công trình “để đời”, sống động, làm đẹp thêm cho Huế và sông Hương.

Ở Huế (cũng như nhiều thành phố khác) lâu nay chỉ thấy mọc lên nhiều khách sạn, nhà hàng hoặc những cơ sở làm ra tiền. Xin phép được lưu ý: Các giá trị văn hóa, ngoài ý nghĩa nhân văn, cũng  là yếu tố quan trọng để thu hút du khách, nghĩa là gián tiếp làm ra tiền... 

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.