Khu chung cư cũ nào ở Hà Nội sẽ được ưu tiên cải tạo, xây dựng lại?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng mai (22/9), kỳ họp HĐND TP Hà Nội sẽ khai mạc. Một trong các nội dung đáng chú ý tại kỳ họp này là xem xét và thông qua Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 21/9, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đang rất khẩn trương xây dựng cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc kéo dài trong lĩnh vực này.

Ông Dương Đức Tuấn cho hay, để xác định rõ những nguyên nhân khó khăn vướng mắc, nhằm có biện pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ, thời gian qua UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, thành lập Tổ chuyên gia nghiên cứu, rà soát toàn diện quá trình triển khai từ trước tới nay, toàn bộ các chung cư cũ đã và đang thực hiện, rà soát các cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan, tổng kết quá trình đã thực hiện; qua đó, nghiên cứu đề xuất các biện pháp khắc phục, đề xuất bổ sung cơ chế chính sách pháp luật thông qua việc xây dựng ”Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố”.

Quá trình nghiên cứu xây dựng, Đề án đã lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học và xác định được rất nhiều nguyên nhân, khó khăn vướng mắc (13 nhóm nội dung khó khăn vướng mắc) và kiến nghị những giải pháp khắc phục.

Khu chung cư cũ nào ở Hà Nội sẽ được ưu tiên cải tạo, xây dựng lại? ảnh 1

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Đồng thời với kết quả nghiên cứu Đề án quá trình này, từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, UBND thành phố đã có những kiến nghị đề xuất cụ thể với Bộ Xây dựng, Chính phủ để điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách pháp luật có liên quan; tham gia góp ý, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xem xét những đề xuất, kiến nghị của thành phố Hà Nội để sửa đổi, thay thế Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (thay thế Nghị định số 101/2015/NĐ-CP). Theo đó đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo động lực cơ chế phát huy hiệu quả để triển khai cải tạo, xây dựng lại hệ thống chung cư cũ.

Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng hoàn chỉnh ”Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội”, áp dụng đồng bộ các quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, các cơ chế chính sách pháp luật về nhà ở, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai và quy định, pháp luật hiện hành có liên quan của Nhà nước và thành phố, để trình HĐND thành phố thông qua, làm cơ sở triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.

Khu chung cư cũ nào ở Hà Nội sẽ được ưu tiên cải tạo, xây dựng lại? ảnh 2

Khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình nhiều căn hộ xuống cấp nguy hiểm. Ảnh: Minh Tuấn

Nội dung nghiên cứu ”Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, như: tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ; tổ chức lập quy hoạch chi tiết chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách; ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; triển khai công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư); Thực hiện các chính sách ưu đãi; xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Nghị định và Đề án; đồng thời phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành, quận, huyện, thị xã theo nguyên tắc “5 rõ”, có lộ trình (tiến độ) triển khai cụ thể đối với từng nhiệm vụ. Trong đó xác định cụ thể phương pháp, lộ trình, tiến độ thực hiện chia làm 04 đợt triển khai, ưu tiên triển khai trước chung cư nguy hiểm hư hỏng nặng (cấp độ D và cận D), đôn đốc tiến độ các Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai dở dang.

Quy mô số lượng chung cư cũ trên địa bàn thành phố là rất lớn, thống kê đến năm 2020 có khoảng 1579 chung cư cũ, hiện nay đang tiếp tục rà soát cập nhật dự kiến tổng số sẽ có khoảng gần 2.000 chung cư cũ (nhiều nhất trên cả nước), hiện trạng sử dụng, sở hữu rất phức tạp.

Do vậy, để sớm thực thi có hiệu quả, xác định vai trò của Nhà nước là chủ đạo trong việc quản lý, chỉ đạo thực hiện thì cần tăng cường trách nhiệm, vai trò, sự đồng thuận của các chủ sở hữu, sử dụng nhà chung cư và cộng đồng dân cư, sự tham gia tích cực các tổ chức kinh tế, xã hội cùng phối hợp quyết liệt triển khai thực hiện, nhất là trong diễn biến tình hình phức tạp khó khăn của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, thì mới sớm đẩy nhanh được tiến độ thực hiện công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

+Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ không mặn mà với cải tạo chung cư cũ vì khó tìm được lợi nhuận, thậm chí thua thiệt, không tìm được sự hợp tác của nhiều bên (bao gồm cả cơ quan nhà nước, sở ngành, chính quyền địa phương) khi tham gia dự án. Ông chia sẻ với nhà đầu tư như thế nào về điều này, ông muốn nói gì với họ?

Như tôi đã nêu ở trên, cùng với Đề án được ban hành và quy định Nghị định số 69/2021/NĐ-CP sẽ tạo động lực lớn về cơ chế chính sách, tính khả thi hiệu quả đầu tư để thu hút các nhà đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Trong đó, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả đầu tư, làm cơ sở triển khai dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Đề án đã cơ bản tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc, tạo cơ sở triển khai thực hiện, như:

Đã làm rõ nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư: triển khai thực hiện theo dự án, gắn với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị; thực hiện đối với nhà chung cư nguy hiểm trước, nhà chung cư bị hư hỏng nặng sau; có thể triển khai thực hiện một hoặc nhiều dự án, đảm bảo kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tuân thủ quy hoạch chi tiết của toàn khu chung cư được duyệt; có thể phân kỳ đầu tư nhưng phải phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư nguy hiểm trước, các chung cư còn lại được thực hiện theo kế hoạch cải tạo, xây dựng lại khu chung cư được phê duyệt.

Khu chung cư cũ nào ở Hà Nội sẽ được ưu tiên cải tạo, xây dựng lại? ảnh 3

Cải tạo chung cư cũ Nguyễn Công Trứ gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: Tuấn Minh

Đã làm rõ các trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ để xây dựng lại: Nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ; nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng có kết luận kiểm định của Sở Xây dựng; nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ.

+Thưa ông, lâu nay tỷ lệ đồng thuận trong cải tạo chung cư luôn làm nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước đau đầu. Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao?

Để giải quyết tình trạng này, Đề án đã quy định trình tự lựa chọn chủ đầu tư; Việc lấy ý kiến lựa chọn chủ đầu tư dự án thực hiện theo nguyên tắc có ít nhất 70% tổng số chủ sở hữu căn hộ tham gia. Doanh nghiệp được lựa chọn phải được tối thiểu 75% tổng số các chủ sở hữu tham gia đồng ý. Trường hợp có nhiều doanh nghiệp tham gia đăng ký làm chủ đầu tư thì lựa chọn doanh nghiệp nhận được tỷ lệ đồng ý cao nhất của các chủ sở hữu nhưng tối thiểu phải đạt trên 51% tổng số chủ sở hữu nhà chung cư, khu chung cư đó đồng ý.

Đã quy định chi tiết phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời (tạm cư): căn cứ vào điều kiện cụ thể của dự án tại từng khu vực, UBND thành phố sẽ quyết định hệ số K bồi thường từ 1 đến 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ theo quy định Nghị định số 69/2021/NĐ-CP; quy định đối với diện tích tại tầng 1; quy định đối với trường hợp nhà ở riêng lẻ; quy định đối với nhà ở, công trình xây dựng thuộc sở hữu nhà nước và các tổ chức khác; quy trình thông qua Hội đồng thẩm định đánh giá đảm bảo khách quan, minh bạch

Điều tôi muốn nhấn mạnh là trong quá trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sẽ áp dụng tối đa các cơ chế chính sách ưu đãi đất đai, hỗ trợ đầu tư, vốn theo quy định đảm bảo khả năng cân đối tài chính dự án.

UBND thành phố sẽ ban hành các kế hoạch cụ thể kèm theo về kiểm định, đánh giá chất lượng công trình, kế hoạch cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, kế hoạch tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch tạo lập nhà tạm cư,..., quy định trong đó rõ về từng dự án, quy mô, tiến độ, phân công cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của từng Sở, ngành, UBND quận, huyện thị xã gắn kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện dự án từ lúc lựa chọn chủ đầu tư, lập, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, GPMB, đến triển khai thi công và hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Như vậy, sau khi Đề án được ban hành và triển khai thực hiện, cùng với các cơ chế chính sách quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP Nhà đầu tư có thể yên tâm tham gia thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.

+Ông có thể cho biết lộ trình cụ thể triển khai Đề án quan trọng này ra sao? Những khu chung cư nào sẽ được ưu tiên cải tạo trước?

Hiện nay, về tiến độ, Sở Xây dựng đã hoàn chỉnh Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội trên cơ sở đã lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học. Đề án đã được Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua chủ trương; Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, người dân đang sinh sống tại các nhà chung cư cũ, các doanh nghiệp; UBND thành phố đang hoàn chỉnh để trình HĐND thành phố thông qua.

Theo Đề án, trong năm 2021, thành phố sẽ ban hành các Kế hoạch để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo: Kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; Kế hoạch lập quy hoạch chung cư cũ; Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ; Kế hoạch tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư)…

Dự kiến chia làm 4 đợt để triển khai song song đồng thời ưu tiên thực hiện trước với nhà chung cư cũ nguy hiểm, hư hỏng nặng (cấp độ D và cận D); khuyến khích triển khai với chung cư cũ có điều kiện thuận lợi, khả thi thực hiện và có đề xuất dự án của UBND các quận, huyện, thị xã, nhà đầu tư, nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại 04 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp), các nhà chung cư đơn lẻ cấp D và phát sinh trong quá trình rà soát, kiểm định; đồng thời lựa chọn nghiên cứu lập quy hoạch và triển khai một số khu chung cư có tính khả thi như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân,...”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn

Trước mắt, giai đoạn đầu 2021- 2025, thành phố sẽ ưu tiên thực hiện công tác rà soát, kiểm định đánh giá chất lượng công trình, tổ chức lập quy hoạch chi tiết, lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; đẩy nhanh tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp), các nhà chung cư đơn lẻ cấp D và phát sinh trong quá trình rà soát, kiểm định; đồng thời lựa chọn nghiên cứu lập quy hoạch và triển khai một số khu chung cư có tính khả thi như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân,...; Xem xét Đề án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; rà soát 14 dự án đang triển khai, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đủ điều kiện tiếp tục thực hiện theo quy định.

+Cảm ơn ông

Quy mô số lượng chung cư cũ trên địa bàn Thành phố là rất lớn, thống kê đến năm 2020 có khoảng 1579 chung cư cũ, hiện nay đang tiếp tục rà soát cập nhật dự kiến tổng số sẽ có khoảng gần 2.000 chung cư cũ (nhiều nhất trên cả nước), hiện trạng sử dụng, sở hữu rất phức tạp.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.