Phó Thủ tướng Chính phủ, Trương Hoà Bình đã nhắc nhở lực lượng thi hành án như vậy tại cuộc làm việc với Bộ Tư pháp vào ngày 16/6.
Vụ Huỳnh Thị Huyền Như: Đã thu hồi được khoảng 40 – 50 tỷ đồng
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng – Trương Hoà Bình ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp thời gian vừa qua. Dấu ấn đậm nét thể hiện qua việc Bộ Tư pháp đã phối hợp tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, chỉnh lý, trình Quốc hội nhiều dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đảm bảo tiến độ, chất lượng, trong đó có nhiều bộ luật được coi là giường cột. Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thông qua với những đổi mới căn bản.
Biểu dương công tác thi hành án dân sự đã đạt chỉ tiêu đề ra, năm sau cao hơn năm trước, song Phó Thủ tướng – Trương Hoà Bình cũng lưu ý, nhắc nhở Bộ Tư pháp, lực lượng thi hành án dân sự cần có kết hoạch giải quyết dứt điểm các vụ việc kéo dài, đặc biệt lưu ý vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản cho nhà nước, các vụ việc tín dụng ngân hàng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Lê Thành Long, trên thực tế tính chất công tác thi hành án dân sự phức tạp, mọi thông tin phơi lộ rất nhanh và ảnh hưởng trực tiếp tới từng con người. “Ở đây có vấn đề về bản án tuyên và khó khăn ở việc truy tìm tài sản trong vụ án tham nhũng. Ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như phải thi hành án tới 14.000 tỷ đồng nhưng bây giờ mới thu được 40-50 tỷ đồng, rất khó khăn. Tham nhũng liên quan đến cơ quan này cơ quan kia, yếu tố này yếu tố kia nên cần phối hợp rất chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Tư pháp với Bộ Công an, TAND, VKSND. Bộ Tư pháp đang suy nghĩ, nếu không có sự vào cuộc của cấp ủy và chính quyền địa phương nữa thì sắp tới bồi thường nhà nước sẽ rất là gay”- ông Lê Thành Long nói.
Thi hành án… phụ thuộc vào phẩm chất cán bộ
“Thi hành án dân sự cần làm rõ các bản án, quyết định của tòa đã tuyên cái nào chưa thi hành được do bản án tuyên không rõ ràng thì phối hợp liên ngành giải quyết. Nếu bản án cần kháng nghị mới thi hành được thì phối hợp kiến nghị, kháng nghị. Những bản án tuyên rõ rồi không thi hành được thì trách nhiệm của các đồng chí thi hành án. Trước đây, ở TPHCM, tôi biết có bản án rõ rành rành rồi nhưng không thi hành chỉ vì cú điện thoại, thư tay nào đó. Sau đó lại gộp số vụ này vào số vụ việc án tuyên không rõ là không đúng. Tổng Bí thư đã phát biểu rồi, phải thu hồi tài sản do phạm tội mà có triệt để. Đây cũng là khuyến cáo của quốc tế... Việc này phụ thuộc rất lớn vào phẩm chất của cán bộ thi hành án, không vì cú điện thoại này kia mà dừng lại” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng mong muốn, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, tham mưu giúp Chính phủ đổi mới thi hành pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tôn trọng kỷ cương pháp luật trên mọi lĩnh vực và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong điều kiện đầu tư, kinh doanh.
“Công tác tư pháp rất nhạy cảm, gắn chặt với quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phục vụ nhân dân nên phải có đội ngũ cán bộ thực sự vì nhân dân, trong sạch, vững mạnh. Các trường đào tạo cán bộ phải có bài học về ý thức phục vụ nhân dân”- Phó Thủ tướng yêu cầu.
Từ tháng 10/2015 đến hết tháng 5/2016, có tổng số 635.147 việc phải thi hành án. Trong đó, số việc có điều kiện thi hành chiếm 82,9%, số chưa có điều kiện thi hành chiếm 17,1%. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 296.041 việc, tăng 18.302 việc (tăng 6,59% so với cùng kỳ năm 2015).