Gần Tết, Hoàng Dương từ Thanh Hóa đi vào tận bản làng hẻo lánh bên hồ ở Đăk Lăk thuê nhà nghỉ để vẽ. Bạn bè thắc mắc “chỉ vẽ chó thì sao phải vào tận nơi có cảnh vô cùng đẹp?”. “Để thay đổi không gian, tìm cảm hứng mới”. Bà chủ nhà nghỉ tò mò khi thấy ông khách ăn mặc bụi bặm, ngày ăn quán chay đêm về đóng chặt cửa “không biết làm gì bên trong?”. Hôm Dương trả phòng ôm một đống tranh vẽ trên bao bố, bà chủ còn thấy “khó hiểu hơn nữa”. Đấy là bà chưa biết, “cả tệp đó toàn chó là chó”.
Tìm thấy bản thân nhờ Kiki, Koko
Hồi đầu những năm 2000, chàng trai dân tộc Mường (Thạch Thành, Thanh Hóa) từng đi du học Trung Quốc học vẽ thư pháp và quốc họa. Sau này đi Úc vừa học vừa làm Hoàng Dương vẽ khá nhiều tranh màu nước và mực nho nhưng không chuyên tâm hẳn với hội họa, chưa tìm ra chất riêng có. Về nước Dương dồn công sức vào kinh doanh, cùng bạn đầu tư hết tiền vào mở nhà máy rượu vodka, không may việc làm ăn thua lỗ, anh trắng tay. Cùng lúc, cuộc hôn nhân 14 năm tan vỡ. Dương chán nản lao vào vẽ. Những bức đầu tiên trên chất liệu sơn mài, vẽ hai chú chó Kiki và Koko đã từng gắn bó với vợ chồng anh từ thời du học ở Quế Lâm. Từ đó về sau Dương chỉ vẽ chó nhưng chuyển sang sơn dầu, acrylic, phấn gốc dầu. Dương là người bẩm sinh quí động vật, yêu và vẽ tất cả các loại chó nhưng “50% tranh chó của tôi đều được truyền cảm hứng từ hai đứa Koko và Kiki mà vợ chồng tôi coi như con”. Tinh thần, cá tính của các cô cậu chó in dấu điều gì đó của chính họa sĩ hoặc người yêu hoặc người vợ cũ của anh.
Dương có thể xem đi xem lại mà vẫn cảm động với những bộ phim hay về các bạn bốn chân như “Âm tám độ”, “Hachiko”, “Bim tai đen lông trắng”... Mê chó, đi đâu thấy chó hay anh lại tha về. Có lúc nhà anh có tới 11 con. Hàng tuần anh phải mua gan phổi lợn về làm pate đóng hộp xếp tủ lạnh cho các “em” ăn dần. Bố mẹ vất vả trông đàn nhắng nhít đó mỗi khi Dương đi vắng. “May mà đất nhà tôi ở miền núi Thanh Hóa rộng thênh thang và bố mẹ cũng là người yêu động vật”.
Từ 2015, lang thang vẽ chó được hai năm đến một ngày Dương xin bố mẹ nuôi cơm thêm hai năm nữa- tới hết 2018 để anh vẽ thể loại mình thích mà không phải lo vẽ để bán. “Tôi biết tranh tĩnh vật, phong cảnh dễ bán hơn nhưng tôi không có hứng thú”. Không dư dả, Dương vẽ trên bất kỳ chất liệu nào, nhiều lần vẽ lên giấy, bao bố. Một số bạn họa sĩ trẻ ở Hà Nội tặng màu, toan khích lệ Dương.
Nhăm nhe làm chó ở phố đi bộ
Tranh chó của Bùi Hoàng Dương lạ và phá cách với chất dã thú, trường phái biểu hiện, pha chút pop. Có bức anh vẽ chỉ trong 5-10 phút. Có tháng vẽ vài chục bức, có tháng bỏ đi chơi nạp cảm hứng lại quay về vẽ tiếp. Họa sĩ thường đặt tên tranh bằng các ký tự như tam giác, hình vuông hoặc viết số ngày tháng liên quan đến một sự kiện trong kỷ niệm chỉ mình anh biết. “Tôi không muốn tên của bức tranh áp đặt định hướng nội dung của nó cho người xem”. Hiếm hoi có lần họa sĩ đặt tên “Cô gái xuống phố” cho chân dung nàng chó có hai bím tóc quăn “ý nói cô ấy ra phố đi uốn tóc”.
Gần đây Hoàng Dương nung nấu ý định trình diễn đương đại “Tôi sẽ làm con chó có người thòng xích vào cổ dắt đi quanh hồ Hoàn Kiếm trong khoảng hai tiếng. Người đi đường sẽ đối xử với tôi theo cách họ muốn, chòng ghẹo, xoa đầu, gọi lêu lêu... và tôi sẽ tùy cơ phản ứng theo cách của chó. Tôi muốn khẳng định “chó là loài tình cảm, trung thành, là động vật được con người thuần hóa thành công nhất. Hãy coi chúng như bạn”. Dương bức xúc khi từng chứng kiến ở quê anh có làng bơm bột đá vào bụng chó trước khi bán để nặng cân, có xóm chuyên lột da chó...
Ý tưởng làm chó tạm dừng khi một người bạn khuyên Dương: “Nên để tới lúc khẳng định danh tính bằng tranh chó đã”.
Trên trang cá nhân, tranh của Dương bắt đầu được để ý, có vẻ bạn bè nước ngoài bấm like nhiều hơn. Có bạn Tây rủ Dương mở chung triển lãm “nhưng tôi chẳng có tiền. Người lạ nhắn tin thích tranh tôi là vui rồi”. Nhân dịp mở Triển lãm tranh Tết Mậu Tuất “Go Go”, VICAS Art Studio đã chọn ba bức của Dương treo ở vị trí trung tâm phòng. Họa sĩ cảm thấy hồi hộp vì đây là lần đầu tiên mấy cún cưng của anh offline.
Dương sẽ vẽ khuyển cho tới khi nào hết cảm hứng mới dừng mặc kệ chú bác trong họ nhìn nhận “thằng cháu thuộc dạng điên, không đâu vào đâu”. “Tôi nghĩ mình là kẻ thất bại thật đấy nhưng về mặt nào đó tôi tỉnh táo hơn mấy người họ hàng giàu sụ ấy”. Tôi thấy hạnh phúc và đời vui khi vẽ chó, Hoàng Dương nhắc lại điều này tới hai ba lần trong cuộc trò chuyện.