Không vay ODA cho những siêu dự án

TPO - Sáng nay 30/10, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, phải có lộ trình “tốt nghiệp” vốn vay ODA. Không vay ODA để theo đuổi những siêu dự án.
Không vay ODA cho những siêu dự án ảnh 1

Đại biểu Lê Thị Nga. Ảnh: Như Ý.

Dành trọn thời gian thảo luận của mình để nói về quản lý vốn ODA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nguồn vốn vay ODA chủ yếu cho vay có điều kiện. Mặc dù nguốn vốn này đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thời gian qua, những vụ việc tiêu cực từ việc sử dụng nguồn vốn này là vấn đề đáng quan tâm.

Ngoài ra, còn có xu hướng thích dùng ODA gắn với lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ… cũng đã khiến các công trình dùng vốn ODA xuất hiện rất nhiều nhưng một số công trình không hiệu quả.

“Tôi đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát ODA, phân tích mặt lợi, bất lợi của việc sử dụng nguồn vốn này, tiến tới giảm dần và ngừng sử dụng ODA. Bất cứ quốc gia nào sử dụng lâu dài nguồn vốn ODA đều là bất lợi, có ý thức “tốt nghiệp” ODA mới nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nó”, đại biểu Nga kiến nghị.

Đại biểu này cũng kiến nghị Quốc hội hoàn thiện hành lang pháp lý về ODA, quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, quy định trách nhiệm của Quốc hội, quyền của người dân, các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội… trong giám sát vốn ODA; sử dụng vốn ODA có chọn lựa, hạn chế, hướng tới khu vực tư nhân, đặc biệt không vay ODA để theo đuổi những siêu dự án.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), Việt Nam đang là một trong những nước có độ mở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mặc dù kinh tế nước ta đang phục hồi, nhưng nếu nhìn về tiềm năng, với vị trí địa chính trị - kinh tế thuận lợi, chính trị ổn định, 4 năm qua, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đều dưới tiềm năng, chỉ đạt 5% so với tốc độ trung bình trên 7% của 20 năm trước đó.

Đại biểu Ngân cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần thúc đẩy tăng trưởng cao trở lại trên cơ sở những quyết sách đúng.

Không vay ODA cho những siêu dự án ảnh 2

Đại biểu Quốc hội sáng 30/10. Ảnh: Như Ý 

Đồng tình những giải pháp của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) kiến nghị Chính phủ kiểm soát tốt nợ công, nợ nước ngoài, kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng; điều hành linh hoạt, thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu…

Lo ngại nợ công, nhưng đại biểu Nguyễn Cao Sơn cho rằng, việc xây dựng sân bay Long Thành là phù hợp để tăng sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu thực tế trong tương lai; đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án để Chính phủ có kế hoạch, triển khai các bước tiếp theo, tập trung thu hút nguồn vốn.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp tăng mạnh hơn nữa tổng vốn xã hội. Nhấn mạnh cán bộ là cái gốc của công việc, đại biểu Hoàng đề nghị cần mạnh dạn thu hút nguồn nhân lực đủ chất, đủ chuẩn, đặc biệt là những đứng đầu phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích của dân, của nước “ngẩng cao đầu mà làm”; điều chuyển những cán bộ thấy sai không dám nói, thấy việc không dám làm, chưa thực sự vào cuộc.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhận định, nền kinh tế đang bộc lộ những điểm yếu chết người, có tình trạng “bần hàn sinh đạo tắc”. Cỗ xe kinh tế đang hụt hơi, trong đó năng suất lao động là hòn đá tảng cản trở sự phát triển. Do vậy, đại biểu Thường cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ nâng cao năng suất lao động. 

MỚI - NÓNG