Không thể động binh

Không thể động binh
TP - Lần đầu tiên quân đội Mỹ chuyển đồ viện trợ đến sát Venezuela đang bên bờ nội chiến. Máy bay quân sự C-17 sẽ chở 250 tấn hàng tới đích. Dù thế, động thái ấy khó có thể báo hiệu một cuộc vũ trang nhắm vào chính thể hiện có hai chính quyền tồn tại.

Email Bộ Ngoại giao Mỹ gửi quốc hội nước này, tiết lộ cho AP từ nguồn nặc danh, xác nhận đồ cứu tế đến Venezuela qua ngả quân đội. Từ thứ bảy, 16/2, hàng tới tỉnh biên giới Cucuta của láng giềng Colombia, nơi nhiều tấn thùng dán nhãn cờ Mỹ vẫn lưu kho.

Sự kiện diễn ra ngay khi Mỹ bổ sung các yếu nhân trung thành với Tổng thống Nicolas Maduro vào danh sách người Venezuela bị trừng phạt. Đó là thiếu tướng Manuel Quevedo, chủ tịch Công ty Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA), doanh nghiệp có nguy cơ mất 11 tỷ USD vì bị cấm vận. Đó còn là bốn đầu lĩnh tình báo trong đó có trùm cảnh sát SABIN khét tiếng và tư lệnh đơn vị đặc biệt tinh nhuệ FAES.

Tại phỏng vấn độc quyền giành cho AFP ngày 14/2, tổng thống hợp pháp Maduro nói viện trợ Mỹ chỉ là “vụn bánh mì” so với sự thù địch ngăn chế độ của ông xuất dầu lửa và nhập hàng từ Cuba, Trung Quốc, và Nga. Còn Juan Guaido, chủ tịch quốc hội Venezuela, thề nhận đồ tiếp tế Mỹ muộn nhất là 23/2, tức tròn một tháng kể từ hôm ông tự phong mình chức tổng thống.

Câu hỏi mấu chốt là Mỹ có can thiệp quân sự Venezuela không. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không trả lời câu hỏi liệu ông có cử đặc sứ Elliott Abrams đến thủ đô Caracas gặp Maduro, người nhiều lần sẵn sàng hội ngộ tổng thống Mỹ bất cứ lúc nào và ở đâu. Tuy nhiên, quan chức quân sự giấu tên nói với AFP rằng sự nhúng tay lần đầu tiên của Lầu Năm Góc chỉ thuần tuý giới hạn ở hỗ trợ nhân đạo. 

Khả năng động binh thực sự không cao xét về tổng thể. Cái Trump lo không phải là kiểm soát mỏ dầu Venezuela lớn nhất thế giới mà là người tỵ nạn nếu có chiến tranh. Năm 2018, ông rót tức thì 100 triệu USD đến Cucuta, nơi đang nuôi ba triệu người Venezuela tha hương. Mặt khác, giải pháp quân sự rất dễ gửi thông điệp tiêu cực đến Triều Tiên, đất nước 70 năm qua chỉ muốn Mỹ hứa không tấn công nếu họ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, một trong những lập trường nhất quán của Trump sau hai năm cầm quyền là kiên trì quan điểm giảm can thiệp quân sự, hành động khiến Mỹ liên tục trả giá đắt.

Chỉ ba lý do cốt tử ấy không thể giúp quốc gia rộng 916.000 km2 với 31 triệu dân vãn hồi hoà bình song chúng có thể đủ khiến Mỹ khó vác súng gây sự. n

MỚI - NÓNG