Trước khi báo cáo với Văn phòng Chính phủ quanh việc cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam chiều 21/9, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL chủ trì gặp gỡ báo chí để thông tin thêm. Hãng phim truyện Việt Nam cổ phần hoá thành công, có phiên đại hội cổ đông đầu tiên nhưng ông Huỳnh Vĩnh Ái nhắc lại, theo Luật Doanh nghiệp khi chưa xác định giá trị doanh nghiệp lần 2 thì chưa được xem là chính thức cổ phần. Lãnh đạo Bộ khẳng định thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng xem xét đưa yếu tố lịch sử, bề dày và các giải thưởng của Hãng vào giá trị thương hiệu. Hiện Bộ chờ thêm ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính.
Việc xác định giá trị doanh nghiệp thấp theo Bộ có nhiều lí do, trong đó không thể không nhắc nguyên nhân thua lỗ nhiều năm liền. Riêng tiền thuê đất Hãng nợ 21 tỷ đồng - số tiền này nhà đầu tư chiến lược phải trả nếu không sẽ bị thu giấy tờ, hãng không hoạt động được. Những mảnh đất vàng do Hãng quản lý được định giá hàng nghìn tỷ, nhưng theo Thứ trưởng Ái chỉ là đất thuê nên không được đưa vào giá trị thương hiệu. “Bộ phải gửi nhiều công văn cho UBND TP Hà Nội để không siết nợ thuê đất, tiền thuế tồn đọng nhiều năm”, ông Ái nói.
Theo Bộ VHTT&DL từ 2004-2014, công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam lỗ 39,9 tỷ đồng. Trong khi đó doanh thu chỉ dựa vào tiền đặt hàng của nhà nước, 90% tổng doanh thu được dùng để chi trả tiền đất, lương cho cán bộ công nhân viên, dù chỉ với 1/2 mức lương tối thiểu nhà nước quy định. Hãng thua lỗ liên tục, nhưng được Bộ xuê xoa lại còn đều đặn đặt hàng mỗi năm ít nhất một phim để hãng đủ điều kiện hoạt động.
Về lựa chọn Tổng Cty Vận tải thủy, Bộ cho rằng nhà đầu tư chiến lược này đảm bảo các tiêu chí, đúng luật. Thứ trưởng Ái khẳng định nhà đầu tư phải có phương án sử dụng đất để phục vụ sản xuất phim, dịch vụ liên quan “không có chuyện sử dụng đất đó xây khách sạn, cao ốc”.
Nhà đầu tư chiến lược nắm 65% vốn, vốn nhà nước còn lại hơn 28%, lãnh đạo Bộ thừa nhận sau khi cổ phần hoá xong, Bộ không được phép chỉ đạo trực tiếp hãng phim – vì giờ đây hoạt động theo điều lệ công ty và Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ cử hai đại diện giám sát, chính là đại diện phần vốn nhà nước. “Nếu nhà đầu tư không làm phim, nhà đất không xây dựng cơ sở phục vụ làm phim thì Bộ sẽ kiến nghị dừng ngay, đề nghị UBND thành phố thu hồi giấy phép thi công hoặc thu hồi đất, cao hơn là ra toà giải quyết vụ việc”, ông Ái nói.
Thứ trưởng Ái nhắc lại lời Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Hai tháng chưa đủ kết luận về đường hướng phát triển của hãng phim hay cổ phần hoá. Tuy nhiên nhà đầu tư cam kết với Bộ thực hiện sớm giải pháp trước mắt về trả lương ba tháng 7, 8, 9 cho cán bộ công nhân viên, sửa sang và sắp xếp chỗ làm cho nghệ sỹ. Ngoài ra Bộ đốc thúc nhà đầu tư sớm hoàn thành sản phẩm đầu tiên cũng như các dự án phim tiếp theo.