Không ranh giới

TP - Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An vừa “nổi điên” sau phát biểu của lãnh đạo Tổng cục Du lịch tại cuộc làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng hôm 11/5. Phát biểu rằng “Chúng tôi không cần thấy Voọc chà vá chân nâu, nhưng bản quy hoạch của chúng tôi vẫn tốt”.

Trong khi phía đại diện những người làm du lịch Đà Nẵng tha thiết đề nghị Tổng cục xem xét lại quy hoạch phát triển Sơn Trà đã ban hành.

“Đọc phát biểu của họ (trên báo) mà tôi tức ngược lên tới ngực”, ông Sự trút nỗi bức xúc trên báo điện tử Infonet. Ông bảo suốt mấy tháng qua ông theo dõi rất sát các diễn biến xung quanh việc Sơn Trà bị “băm nát” để xây biệt thự, resort. Tuy nhiên ông từ chối phỏng vấn của nhiều báo, vì nghĩ rằng “mình ở Hội An Quảng Nam không nên can thiệp vào việc của Đà Nẵng”. Nhưng sau cuộc làm việc kỳ lạ ngăn cản báo chí cùng phát biểu gây bức xúc dư luận của đại diện Tổng cục Du lịch, ông đã “không thể im lặng được nữa”. 

Bởi chuyện không chỉ là con Voọc, mà là cả ngàn loại động vật, ngàn loại cây đặc hữu, là khí hậu, môi trường sống, là tường thành ngăn gió bão cho cả vùng bắc sông Thu Bồn - Quảng Nam. Là nơi này khách du lịch bỏ đi, thì nơi khác du lịch cũng “ngắc ngoải” theo. Chứ không phải chuyện riêng của bán đảo Sơn Trà hay thành phố Đà Nẵng.

Bài học chất thải từ Formosa Hà Tĩnh tiêu diệt toàn bộ cá tôm suốt dải biển liên tỉnh miền Trung, cho thấy không có ranh giới an toàn cho một vùng đất nào, khi môi trường sống bị hủy hoại. 

Vẫn đang nóng hổi chuyện các quốc gia giáp nhau ở thượng nguồn sông Mekong chạy đua xây đập thủy điện chặn dòng, khiến cả vùng ĐBSCL của ta cạn kiệt, xâm nhập mặn, nước dồn phá bờ. Rùng mình trước cảnh mới đây cả chục ngôi nhà bên bờ sông Tiền bị nước nuốt chửng chỉ trong mấy giây như ngày tận thế.

Tỉnh Đồng Tháp thống kê có đến trên 60% bờ sông Tiền bị sạt lở, kéo dài đến 123 cây số. Tất nhiên không chỉ 20 triệu dân ĐBSCL của ta, mà cả 60 triệu dân ven dòng Mekong của các quốc gia lân cận cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Không có ranh giới an toàn cho một quốc gia nào, khi thiên nhiên, môi trường sống bị hủy hoại.

Chỉ vì quan niệm “tỉnh anh, tỉnh tôi” mà di tích lịch sử văn hóa trên đỉnh Hải Vân bị biến thành phế tích suốt mấy mươi năm qua. Nên thật ngỡ ngàng nhưng lại không khó hiểu, khi mới đây dự án của Cty CP gang thép Nghi Sơn (Thanh Hóa) thản nhiên cho tàu chở chất thải của nhà máy đổ vào vùng biển của… tỉnh bạn Nghệ An!

Rồi như Tiền Phong vừa phản ánh, cơ sở sản xuất mạ kẽm ở Điện Bàn (Quảng Nam) phun nước thải qua đất Đà Nẵng. Hay như hồi năm ngoái, ống xả thải từ nhà máy dệt ở tỉnh Quảng Trị bơm thẳng ra sông của tỉnh Thừa Thiên – Huế!

Không có ranh giới địa lý nào có thể miễn trừ trách nhiệm cho những việc làm tội lỗi hủy hoại đời sống cộng đồng. Càng không có một ranh giới nào ngăn cản mỗi chúng ta cất lên tiếng nói để bảo vệ môi trường sống của chính mình.

MỚI - NÓNG