Không phong tỏa được tài khoản bị lừa đảo do ngân hàng chậm phối hợp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, có nhiều vụ phát hiện đối tượng lừa đảo, tiền vẫn còn trong tài khoản nhưng liên hệ thì các ngân hàng phối hợp rất chậm, sau đó khoảng nửa tiếng thì các đối tượng chuyển khoản qua các ngân hàng khác, cuối cùng là các đối tượng rút tiền hoặc tiền đã chuyển ra nước ngoài.

Ngày 14/7, tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Đà Nẵng, các đại biểu đã chất vấn Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đã đặt các câu hỏi cho Giám đốc Công an thành phố về tình trạng lừa đảo qua mạng, tín dụng đen, tội phạm thanh thiếu nhi… diễn ra trên địa bàn.

Về tình trạng lừa đảo qua mạng, tín dụng đen, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết, đây là vấn đề nhức nhối trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công an thành phố nhận được 16 tin báo khủng bố đòi nợ. Qua xác minh, cơ quan công an đã khởi tố 2 vụ, bắt 2 đối tượng về các tội sử dụng mạng viễn thông tổ chức lừa đảo, sử dụng tài khoản thông tin cá nhân trái phép trên không gian mạng. Trong 16 vụ việc khủng bố đòi nợ, khi công an xác minh, hầu như các đối tượng sử dụng sim rác nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn; các đối tượng lừa đảo hầu hết là người ngoại tỉnh.

Không phong tỏa được tài khoản bị lừa đảo do ngân hàng chậm phối hợp ảnh 1

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp.

Tướng Viên thông tin, cách đây 2 ngày Công an thành phố Đà Nẵng đã bắt 6 đối tượng là người Hà Nội vào Đà Nẵng mở tài khoản ngân hàng bằng căn cước công dân giả. Các đối tượng này nằm trong chuỗi các đối tượng lừa đảo qua mạng mà Công an thành phố đang điều tra.

Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, có nhiều vụ khi điều tra thì sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, kể cả ngân hàng, nhà mạng cũng có vấn đề, hỗ trợ cho công an không kịp thời. Có nhiều vụ phát hiện đối tượng lừa đảo người dân, tiền vẫn còn trong tài khoản của một ngân hàng, nhưng liên hệ thì các ngân hàng phối hợp rất chậm. Sau đó khoảng nửa tiếng thì các đối tượng chuyển khoản qua các ngân hàng khác, ngân hàng cuối cùng là các đối tượng rút tiền hoặc tiền đã chuyển ra nước ngoài.

Theo tướng Viên, trong những vụ việc, nếu có sự phối hợp nhanh, nhịp nhàng thì sẽ phong tỏa được tài khoản lừa đảo. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không kịp thời phong tỏa nên không giữ được tiền.

Không phong tỏa được tài khoản bị lừa đảo do ngân hàng chậm phối hợp ảnh 2

Trụ sở công an phường Bình Hiên (quận Hải Châu) lại nằm trên địa bàn phường Bình Thuận. Ảnh: Thái Lâm

Trụ sở Công an phường này lại nằm trên địa bàn phường khác

Trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND liên quan đến công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người cho công an các xã, phường hiện nay, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết, hiện chức năng, công việc của công an phường rất lớn, như các công tác về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp biển số xe máy…

Đề cập đến cơ sở vật chất của công an phường, ông Viên nói rằng có điều rất lạ ở thành phố là có trụ sở công an phường này lại nằm trên… địa bàn phường khác. Đó là trụ sở Công an phường Bình Hiên (quận Hải Châu, Đà Nẵng) lại nằm trên địa bàn phường Bình Thuận. “Công an cũng nhiều lần xin đất để làm trụ sở cho công an phường nhưng đến nay vẫn chưa xong”, ông Viên cho biết.

Ngoài ra, một trường hợp khác là trụ sở Công an phường Thạch Thang (quận Hải Châu) từ năm 1975 đến nay có diện tích chỉ hơn 70m2. Trong khi quy định trụ sở công an xã, phường từ 1.000 - 2.000m2.

Ông Viên cho rằng, phiên chất vấn sở TN&MT, các đại biểu cũng đã đề cập đến việc trên 70 khu đất ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho thuê đã quá hạn lẽ ra phải thu hồi; trong khi lại nói là thành phố không có đất.

Đề cập về việc này, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho cho biết: đã có chủ trương rà soát lại hơn 1.600 cơ sở nhà đất công xem cơ sở nào đã sử dụng không đúng thì thu hồi, hoặc xử lý phù hợp. Trong đó sẽ ưu tiên bố trí công trình công cộng, các trụ sở, trong đó có trụ sở công an phường.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.