> Đề cao vai trò doanh nhân trong Hiến pháp
> Thủ tướng phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế
Nhận xét về Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp lần này, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội đề nghị xem xét lại Điều 2: Nhà nước CHXHCNVN là Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Theo luật sư Tỵ, nên điều chỉnh lại nội dung này vì hiện nay tình hình cơ cấu giai cấp đã thay đổi, không còn như trước. Công nhân, trí thức phần lớn từ nông dân mà ra. Trong nông dân cũng có công nhân-công nhân nông nghiệp. Thực tế tuyển dụng cán bộ, viên chức không có ưu tiên cho người xuất thân từ công nhân hoặc nông dân mà chỉ ưu tiên cho người có trình độ chuyên môn giỏi.
Đối với Điều 4, xác định Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Trọng Tỵ đề nghị sau khi Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung, Quốc hội cần ban hành một đạo luật về hoạt động của Đảng.
Theo yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, mỗi điều quy định trong Hiến pháp phải được luật hóa. Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng không làm thay Nhà nước.
“Vậy giới hạn giữa lãnh đạo và làm thay khác nhau thế nào? Ranh giới giữa sự lãnh đạo của Đảng với quyền của nhân dân, quyền lực cao nhất của Quốc hội như thế nào?”-luật sư Tỵ nêu câu hỏi.
Từ góc độ nghiên cứu về tổ chức nhà nước, ông Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Nội vụ khẳng định việc sửa đổi nội dung để làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Chính phủ là rất cần thiết, tạo sự thống nhất lãnh đạo trong cả hệ thống.
Ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, góp ý sửa đổi Hiến pháp lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt đó là cả nước đang tăng tốc để đến năm 2020 nước ta cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Hiến pháp phải tạo được cơ sở cho mục tiêu này.
Vấn đề đặt ra hiện nay là ưu tiên giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển, đồng thời bảo vệ cho được độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Cũng theo ông Phùng Hữu Phú, trong dự thảo Hiến pháp đã nhìn nhận phù hơn về phát triển kinh tế xã hội, không có sự phân biệt vai trò của các thành phần kinh tế.
Nên thay từ “lợi nhuận” trong y tế Hà Nội (TP) - Sáng qua, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tọa đàm góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhiều ý kiến góp ý vào nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân liên quan đến lĩnh vực y tế, dân số, bình đẳng giới... Theo chuyên gia cao cấp viện Nghiên cứu lập pháp Đặng Văn Thanh, hoạt động y tế nói chung, trong đó có chăm sóc sức khỏe nhan dân cần xác định là hoạt động phi lợi nhuận. Đại biểu kiến nghị gộp điều 41 liên quan quyền được bảo vệ sức khỏe và điều 62 về chính sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân thành một điều gồm 3 khoản, quy định rõ về quyền của mọi người dân được quyền gì; có nghĩa vụ gì; Nhà nước có cơ chế gì đảm bảo để thực hiện các quyền đó. Ông Lê Quang Cường, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách y tế (Bộ Y tế) cho rằng dự thảo Hiến pháp nên thay từ “lợi nhuận” trong lĩnh vực y tế bằng thuật ngữ khác phù hợp hơn. |