Từ chối dự án vì thiếu vốn là không hợp lý

Không phải cứ khó khăn là trả lại Chính phủ !

Không phải cứ khó khăn là trả lại Chính phủ !
TPO - "Chính phủ lập ra EVN để đảm bảo vấn đề điện năng cho đất nước chứ không phải lập ra EVN để cứ có khó khăn là trả lại Chính phủ". Đó là ý kiến của ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng Dầu khí, Bộ Công Thương quanh việc EVN trả lại 13 dự án nhiệt điện.

Ông Hường cho rằng chuyện thiếu vốn hiện là tình trạng chung, không cứ gì EVN. 

Các nhà đầu tư trong nước đều gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn, ngay cả các ngân hàng cũng phải xem xét lại những thỏa thuận trước đây với các nhà đầu tư.

Chuyện EVN trả lại các dự án cũng thể hiện sự khó khăn trong thực hiện kế hoạch mà đáng lẽ ra đã phải thực hiện từ trước.

Mấy năm trước chúng ta không hề mắc phải chuyện này. Đây không hẳn là lần đầu tiên EVN kêu khó khăn về vốn. Từ trước đến nay họ kêu liên tục vì đầu tư rất lớn.

Liên quan đến việc EVN xin trả lại 13 dự án nhiệt điện thuộc tổng sơ đồ 6 và sau đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có đơn xin nhận làm các dự án mà EVN “nhả” ra với lý do thiếu vốn, theo đánh giá của ông, EVN kêu thiếu vốn và trả lại các dự án này có hợp lý?

Việc từ chối này, theo tôi là không hợp lý. Về nguyên tắc EVN là đơn vị mạnh nhất về lĩnh vực này. Hơn nữa Chính phủ lập ra EVN để lo lắng vấn đề điện năng cho đất nước chứ không phải lập ra EVN để cứ có khó khăn là trả lại Chính phủ.

Việc trả lại này theo tôi là hơi vội vàng vì nhà nước trông chờ vào EVN thì đáng lý ra với những khó khăn như vậy EVN phải “mách” cho nhà nước cách xử lý tình hình này như thế nào.

Có thể phải tăng giá điện, có thể phải huy động nguồn vốn từ các nơi khác.

Đành rằng khó thì khó rồi nhưng ít ra phải nhận thấy khi EVN đã khó thì các Tổng Cty khác còn khó hơn. Tôi đánh giá EVN vẫn là đơn vị có khả năng nhất để thực hiện các dự án điện này chứ không phải các Tổng Cty hay tập đoàn khác và càng không phải là các đơn vị nước ngoài.

Vậy vì sao EVN không trả sớm hơn để rồi sau hai năm kể từ khi có tổng sơ đồ 6 thì nay mới xin trả lại và kêu thiếu vốn?

Tình hình kinh tế của đất nước và khu vực khi làm tổng sơ đồ 6 không như hiện nay, nên nếu cứ tiến hành bình thường thì EVN cũng như các nhà đầu tư khác gần như không có gì khó khăn cả.

Tuy nhiên do tình hình chung nên nảy sinh những khó khăn mới mà lúc làm tổng sơ đồ 6 chưa nhìn thấy hết. Nhìn trước khả năng khó thực hiện các dự án này nên EVN đã có hành động như vậy.

EVN là cơ quan chịu trách nhiệm chính phát triển nguồn điện cho đất nước nhưng khi thấy khó lại xin chuyển cho đơn vị khác. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Theo tôi đánh giá, lãnh đạo EVN từ chối 13 dự án là muốn bày tỏ sự khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Chứ còn EVN đã khó khăn rồi thì các doanh nghiệp khác còn khó khăn hơn.

Cũng không có nghĩa EVN trả lại thì các doanh nghiệp khác làm được. Việc nhận các dự án này cần có sự xem xét kỹ lưỡng. Thực tế việc đầu tư vào các nguồn điện cũng là một ngành kinh doanh rất hấp dẫn không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà cả quốc tế.

Việc PVN nhận làm các dự án này thì cần phải chờ Chính phủ xem xét, quyết định. Vì EVN mạnh, có kinh nghiệm làm như thế mà còn gặp khó khăn như vậy thì làm sao mà có thể giao một lúc cho các đơn vị khác.

Tất nhiên Chính phủ vẫn phải dựa vào các tập đoàn, Tổng Cty nhà nước để thực hiện tổng sơ đồ này, trong đó PVN là một trong những lực lượng được xếp vào hàng “tiềm năng” để “lấp chỗ trống” mà EVN đang bỏ.

13 dự án này cần rất nhiều than để hoạt động mà từ 2010 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than. Có phải do EVN không lo được nguồn than để cho các dự án hoạt động nên họ mới “nhả” ra?

Thường các dự án này phải ký hợp đồng dài hạn cho vài chục năm để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho vận hành nhà máy. Đấy là để đảm bảo sự vận hành, ổn định và an toàn nhất cho các nhà máy nhiệt điện. Trong cơ chế thị trường cũng có rất nhiều nhà máy làm đến đâu xử lý đến đó.

Vấn đề là ta có mua, nhập khẩu được than hay không. Như tình hình hiện nay nhiều nước cũng không muốn ký hợp đồng bán dài hạn. Còn tại sao ta vẫn làm là vì cơ chế thị trường, cứ mua cứ bán khi giá tăng thì ta sẽ điều chỉnh giá lên.

Trong số các dự án giao cho EVN thực hiện có những dự án Chính phủ chấp nhận sử dụng nguồn than trong nước. Vấn đề mấu chốt của việc trả lại ở đây vẫn là về tài chính.

Cũng có ý kiến cho rằng EVN chỉ mạnh về thủy điện và yếu về nhiệt điện nên lo không kham được?

Tôi cho rằng đây chưa hẳn chính xác dù mỗi người có một cách đánh giá. Vừa rồi ta đã phát triển thủy điện rất lớn nên cho rằng EVN mạnh về thủy điện còn trong 3 - 4 năm gần đây ta cũng có phát triển nhiều dự án nhiệt điện và hiện EVN cũng có vài trung tâm tư vấn về vấn đề này.

Chuyện thiếu nhân lực, thiếu tiền thiếu vốn là tình hình chung của một đất nước đang phát triển. Không có nước nào đang phát triển mà thiếu sự hỗ trợ từ nước ngoài. Theo tôi vấn đề chính vẫn là vốn, còn những vấn đề khác cũng có nhưng là rất nhỏ.

Phải chờ Chính phủ quyết định

Nhưng chính EVN đang có vốn để đầu tư ra cả những lĩnh vực khác, như viễn thông chẳng hạn?

Việc đầu tư ra bên ngoài của EVN chỉ vài phần trăm. Việc đầu tư này không ăn nhằm gì so với đầu tư vào các dự án điện. Quan trọng là ở chỗ mình là đơn vị chịu trách nhiệm chính và kể cả thiếu vốn thì vẫn phải tìm mọi cách để lo.

Không thể bảo giao cho các Tổng Cty, tập đoàn khác mạnh hơn mình như vậy được. Còn việc đầu tư ra ngoài của EVN là xu hướng chung của các tập đoàn kinh tế. Chúng tôi cũng đã kiểm tra và họ không đầu tư nhiều. Nhưng số tiền đầu tư này nếu dùng cho các dự án thì cũng góp phần giảm bớt gánh nặng.

Được biết tháng 10/2008, Bộ Công Thương sẽ phải báo cáo Chính phủ về phương án xử lý vụ việc này. Vậy hướng xử lý sẽ như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề này. Đây là vấn đề rất lớn của đất nước không thể giải quyết qua loa được. Hướng giải quyết là sẽ cố gắng giữ nguyên ý đồ thiết kế của Tổng sơ đồ 6. Tức là các tập đoàn, Tổng Cty nhà nước sẽ giữ cổ phần chi phối trong chiến lược phát triển hệ thống điện Việt Nam để giúp Nhà nước chủ động trong điều hành hệ thống này.

Nếu EVN không làm sẽ san sẻ cho các tập đoàn khác như Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam và các Tổng Cty lớn như Lilama, Tổng Cty Sông Đà…

Hướng khác nữa là sẽ ưu tiên một số dự án cho nhà đầu tư nước ngoài nào tìm được nguồn cung cấp than cho các nhà máy này vận hành bên cạnh yêu cầu tiên quyết về vấn đề tài chính.

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu việc EVN trả lại như vậy thì Chính phủ có nên chấp nhận lời đề nghị này hay phải xem xét, có thể vừa giao cho các tập đoàn khác vừa giao cho EVN phải thực hiện.

Giả sử EVN cương quyết từ chối các dự án này thì sao?

Đây là vấn đề của đất nước và Chính phủ sẽ xem xét, quyết định. Đó mới chỉ là đề nghị và kiến nghị còn việc có chấp nhận cho PVN nhận các dự án hay không sẽ có sự nghiên cứu kỹ trước khi quyết định. Tôi tin lãnh đạo EVN không ấu trĩ đến mức cương quyết từ chối.

Xin cảm ơn ông.

Phạm Tuyên
(thực hiện)

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG