Nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức CHLB Đức:

Không nơi nào trên thế giới, Đức có một cơ sở hợp tác sâu đậm như ở Việt Nam

Không nơi nào trên thế giới, Đức có một cơ sở hợp tác sâu đậm như ở Việt Nam
Tiếp theo chuyến thăm Vương quốc Anh, theo chương trình, từ ngày 6-9/3/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức CHLB Đức theo lời mời của Thủ tướng Angela Merkel.

Nằm ở trung tâm châu Âu, CHLB Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, với các ngành công nghiệp chủ yếu là chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hóa chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử.

Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 9/1975.

Từ đó đến nay, mối quan hệ hai nước được đánh dấu bởi nhiều chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.

Về phía Việt Nam gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (2004); Thủ tướng Phan Văn Khải (2001); Thủ tướng Võ Văn Kiệt (6/1993); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (10/1993); Về đoàn Đức sang ta có: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Frank Walter Steinmei (2008); Chủ tịch Hội đồng Liên bang Harald Ringstorff (2007); Tổng thống Horst Koehler (2007); Thủ tướng Gerhard Schroeder (2003); Chủ tịch Quốc hội Liên bang Wolfgang Thierse (2001); Thủ tướng Helmut Kohl (1995).

Về quan hệ kinh tế, với tỷ phần 29% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, CHLB Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.

Năm 2007, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt khoảng 3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất hơn 1,7 tỷ USD và nhập hơn 1,2 tỷ USD.

Những mặt hàng chủ yếu của Việt Nam sang Đức là hàng dệt may, giầy dép, cà phê, thủy sản và các mặt hàng sành sứ, gốm.

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là máy móc, sản phẩm hóa học, thuốc men, sợi đặc biệt...

Trong khoảng 240 doanh nghiệp và các tổ chức của Đức có mặt tại Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất. Trong lĩnh vực đầu tư, Đức hiện đứng thứ 19/81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 5/25 nước EU.

Đầu tư của Đức vào Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của hai bên; đến nay tổng vốn đầu tư của Đức ở Việt Nam mới đạt gần 546 triệu USD với 98 dự án.

Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Đức F.W. Steinmeier cho biết, tại Đức, nhiều người còn thiếu thông tin, chỉ biết đến Việt Nam là một đất nước bị chiến tranh tàn phá trước đây.

Đức sẽ chủ động thay đổi cách nhìn của nhà đầu tư Đức đối với Việt Nam. Bộ Ngoại giao và Bộ kinh tế Đức sẽ làm báo cáo về sự thành công cũng như điều kiện, môi trường đầu tư hiện nay của Việt Nam.

Là một nước trọng tâm trong Hợp tác phát triển của Đức, Việt Nam hiện đứng thứ 3 ở châu Á về nhận viện trợ phát triển của Đức, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Kể từ khi nối lại quan hệ hợp tác phát triển với Việt Nam (năm 1990), Bộ hợp tác kinh tế và phát triển Đức (BMZ) đã viện trợ cho Việt Nam gần 572 triệu Euro. Đức hiện là nước thứ 3 (sau Nhật Bản và Pháp) trong danh sách những nhà tài trợ song phương cho Việt Nam.

Đức tập trung hỗ trợ các chính sách cải cách, bao gồm cả thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân và đào tạo nghề; bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng lâu dài nguồn tài nguyên thiên nhiên, cung cấp nước và xử lý nước, xử lý rác thải; y tế, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV/AIDS.

Năm 1990, Việt Nam và Đức ký Hiệp định hợp tác văn hóa. Năm 1997, Đức thành lập Trung tâm văn hóa Đức (Viện Goethe) tại Hà Nội.

Về hợp tác giáo dục, Phó Thủ tướng Đức F.W. Steinmeier, trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, khẳng định: “Không nơi nào trên thế giới mà Đức có một cơ sở hợp tác sâu đậm như ở Việt Nam, chúng ta đang có một nguồn vốn nhân lực quý giá là những người Việt Nam từng học tập và làm việc tại Đức”.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần có những biện pháp duy trì và phát huy hết tiềm năng của nguồn nhân lực này, trong đó ngoài dự án xây dựng Trường Đại học Đức mới được ký kết, Chính phủ Đức mong muốn sớm xây dựng một Trường Trung học quốc tế Đức tại TP.Hồ Chí Minh.

Trong khuôn khổ chuyến thăm CHLB Đức lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Merkel; tham dự một số hoạt động và ký kết một số văn kiện quan trọng.

Với khoảng 70 doanh nghiệp Việt Nam đi cùng đoàn, chuyến thăm còn nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đưa quan hệ này đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn.

Hiện nay cộng đồng người Việt Nam tại Đức có khoảng 85.000 người. Nhìn chung, bà con có điều kiện sinh hoạt, làm việc khá và ổn định.

Đây là cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức.

Theo Hoàng Thị Hoa
TTXVN

MỚI - NÓNG