Không nhất thiết du học là phải về

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong buổi giao lưu với các cựu thế hệ học sinh của trường. Ảnh: Như Ý.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong buổi giao lưu với các cựu thế hệ học sinh của trường. Ảnh: Như Ý.
TP - Trước khát khao du học và băn khoăn liệu có phải trở về không của các bạn trẻ trường Ams, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng không nhất thiết tất cả người du học phải về hết, miễn là có hạt giống yêu nước ở trong tim.

Hôm qua, tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có buổi giao lưu với các cựu thế hệ học sinh của trường.

Trước khát khao du học và băn khoăn liệu có phải trở về không của các bạn trẻ trường Ams, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng không nhất thiết tất cả người du học phải về hết, miễn là có hạt giống yêu nước ở trong tim.

Những kỷ niệm tuổi học trò

Anh Phan Phương Đạt là một trong hai học sinh Việt Nam đầu tiên tham dự liên tiếp (và đều đoạt huy chương) hai kỳ thi Olympic toán quốc tế (IMO) - 1987 (đồng), 1988 (bạc). Hiện anh Đạt là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT. Chia sẻ với các em học sinh giỏi của Thủ đô Hà Nội, anh Đạt khuyên các em nên tận dụng điều kiện tuyệt vời mà mình đang được hưởng: thầy cô giỏi; bạn bè giỏi.

“Hai điều kiện này tạo cho mình được cái vốn quý báu trong tương lai. Thứ nhất là trí tuệ, thứ hai là cộng đồng - tức các mối quan hệ xã hội. Đây là hai yếu tố dẫn tới thành công của cá nhân tôi cũng như bạn bè cùng trang lứa”, anh Đạt nói.

Anh Hồ Thanh Tùng - người cũng đoạt huy chương bạc IMO 1988 và hiện là Tổng Giám đốc Oracle Việt Nam thì nhớ lại niềm vui sướng ngập tràn khi biết đỗ vào trường Ams - trường chuyên duy nhất của Hà Nội thời bấy giờ.

Anh Tùng cho biết, cảm xúc tuyệt vời đó vẫn theo đuổi anh suốt chặng đường mấy mươi năm qua. Sau này, dù gặt hái được khá nhiều thành công trên đường đời so với bạn bè cùng trang lứa nhưng cảm xúc nghe tin đỗ vào trường Ams vẫn là mạnh mẽ nhất.

Còn bạn Phạm Mai Phương thì kể lại khoảnh khắc tên mình được xướng lên khi ban tổ chức kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2014 đọc danh sách ba người đạt điểm cao nhất kỳ thi.

“Trước khi đi thi, cô giáo chủ nhiệm nói rằng, kỳ thi này rất đặc biệt so với các kỳ thi trước mà em từng trải qua, bởi giờ đây em đi thi không phải lấy thành tích cho em mà là vì màu cờ sắc áo. Vì thế, khi bước lên bục vinh quang thì trong em niềm tự hào dân tộc lấn át sự tự hào của cá nhân em. Lúc cầm lá cờ Tổ quốc trên tay, em cảm thấy những nỗ lực của mình đã được đền đáp một cách xứng đáng. Cảm xúc đó khiến em cảm thấy mình trưởng thành hơn”.

“Chúng tôi tin rằng với hạt giống yêu nước mà đất nước đã gửi gắm trong trái tim khối óc các em thì dù làm cái gì các em cũng sẽ chọn con đường mang lại lợi ích nhiều nhất cho các em, cho đất nước. Chúng ta hoan nghênh các lựa chọn của các em”.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân

Bạn Vũ Thanh Trung Nam, học sinh lớp 12 chuyên lý, người năm ngoái đoạt huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế và huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á cũng bày tỏ ý nguyện “cống hiến” và “phụng sự tốt nhất cho xã hội” trong quá trình vươn tới đỉnh cao vinh quang tuổi học trò.

Trước mắt, Nam sẽ phải trau dồi và bổ sung kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sắp tới, cũng như để trở thành thành viên đội tuyển VN tham dự hai kỳ thi Olympic quốc tế và châu Á 2015.

“Em mong muốn mình sẽ được theo học Vật lý ở một trường ĐH nổi tiếng thế giới để tiếp thu những kiến thức tiên tiến và bổ ích, sau này góp một phần công sức bé nhỏ vào phát triển ngành vật lý nước nhà”, Nam tâm sự.

Ra đi không nhất thiết phải trở về

Sau những chia sẻ về chủ đề trường lớp, ký ức tuổi hoa niên… thì các thế hệ học sinh trường Hà Nội - Amsterdam và khách mời thảo luận chủ đề người Việt trẻ sau khi du học thì nên trở về hay ở lại nước ngoài? Trường Hà Nội- Amsterdam là trường nổi tiếng nhất nước về phong trào học sinh tìm đường du học sau khi học xong THPT.

Tuy nhiên, du học xong nên ở lại tìm việc ở nước ngoài hay trở về, con đường nào mới là con đường phục vụ đất nước thì nhiều bạn trẻ còn băn khoăn. Câu trả lời của các cựu học sinh được mời đến dự cuộc giao lưu thì khá rõ ràng, trừ Phạm Mai Phương đang ấp ủ ước mơ du học nhưng cũng mang ước nguyện sẽ tìm con đường phụng sự, ba người còn lại đều đang làm việc ở Việt Nam.

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, khát vọng tiếp tục vươn xa, trở thành công dân toàn cầu của học sinh nhà trường là điều rất đáng được trân trọng. “Các em có thể đi học ở trường Ams, rồi sau đó du học nước ngoài để tiếp thu những văn minh hoặc trí tuệ về phục vụ đất nước. Nhiều người đã và đang như thế mà GS Ngô Bảo Châu là trường hợp điển hình”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu người VN mà đau đáu với quê hương nhớ về cội nguồn thì dù ở đâu dù làm gì cuối cùng vẫn dành một phần trái tim mình cho quê hương. Không nên đặt yêu cầu hễ đi học nước ngoài là phải về hết. Thậm chí có một số đi du học phải trở thành người tài, học thêm cho thật giỏi rồi hãy trở về.

Hiện nay, trong cộng đồng nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, có những người trở thành giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn của mình, đồng thời vẫn có những đóng góp rất lớn cho cộng đồng trong nước. Tuy nhiên, nếu những người đi học nước ngoài thấy có chỗ để trở về làm việc trong nước thì đó cũng là điều rất tốt.

“Chúng tôi tin rằng, với hạt giống yêu nước mà đất nước đã gửi gắm trong trái tim khối óc các em thì dù làm cái gì các em cũng sẽ chọn con đường mang lại lợi ích nhiều nhất cho các em, cho đất nước. Chúng ta hoan nghênh các lựa chọn của các em”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

MỚI - NÓNG