Không ngủ vùi, mơ qua ác mộng

TP - Ngày cuối tuần, thành phố Buôn Ma Thuột không bình yên. Người dân nơi đây vốn mang tâm thế phòng dịch một cách vừa thận trọng, vừa từ tốn. Phố xá vẫn không xao xác, ngoại trừ những cơn mưa té tát đúng mùa. Chỉ đến khi, Sở Y tế Đắk Lắk công bố ca bệnh 601 (sinh năm 1979) từ tâm dịch Đà Nẵng về, phớt lờ các yếu tố cảnh báo, đi tụ tập khắp nơi; rồi nhiều tuyến phố bị phong tỏa...

Sự xao xác tăng mạnh hơn một chút khi tại một số siêu thị có lượng người mua gom hàng đột biến. Với ca dương tính đầu tiên (bịt khẩu trang suốt tuyến, về Buôn Ma Thuột vào bệnh viện ngay lập tức), người dân Đắk Lắk còn tạm yên tâm. Ca bệnh 601, nếu căn cứ lịch sử di chuyển đã cho thấy sự phức tạp và thiếu ý thức với cộng đồng của vị này.

Ngay ở Đà Nẵng, vị này đã di chuyển nhiều đám cưới và địa điểm; đến khi về Đắk Lắk, vẫn tham gia nhiều buổi tụ tập đông người. Đắk Lắk dường như rút kinh nghiệm so với lần giãn cách xã hội trước (cấm cả khách sạn đón khách), lần này, các ban ngành nhịp nhàng điều phối cùng chính quyền xử lý các ca bệnh. Cũng có thể, ngành y tế tỉnh này nói riêng và Tây Nguyên nói chung vốn đã được kích hoạt sẵn để dập dịch bạch hầu, tay chân miệng nên không có sự bỡ ngỡ.

Bài toán đặt ra cho các cấp chính quyền và cơ quan ban ngành một cách đầy thực tiễn: Ngăn lây nhiễm các ca mắc COVID và bạch hầu hiệu quả. Đắk Lắk là thủ phủ của Tây Nguyên vừa có biên giới, vừa giáp ranh nhiều tỉnh thành du lịch. Yêu cầu không “ngăn sông cấm chợ”, phải đạt mục tiêu kép (phòng chống dịch và phát triển kinh tế).

Suy cho cùng, không riêng gì Đắk Lắk, dường như đề bài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao (vừa nhắc lại chiều 2/8 về đảm bảo mục tiêu kép), các tỉnh thành khác đều phải thể hiện vai trò kỹ trị để đạt mục tiêu đó. Cấm cản là biểu hiện của sự sợ hãi thiếu lý trí; không thể để chết đói trước khi chết vì bệnh dịch.

Thực ra, làn sóng dịch bệnh lần 2 củng cố thêm rằng: Cuộc sống luôn có những tác động ngoại cảnh bất ngờ; đã quản trị thì phải luôn vững vàng và có đủ lý trí để vượt qua. Chỉ có ai năng lực yếu, quá nhiều sợ hãi mới đóng cửa, đắp chăn ngủ vùi để hy vọng khi tỉnh giấc sẽ qua cơn ác mộng. Kẻ thù chính là nỗi sợ hãi nằm sâu trong nội tại mỗi người. Những ngày qua, chứng kiến các bác sỹ, quân đội, công an…vào Đà Nẵng hay làm nhiệm vụ tại nơi có dịch, càng cảm phục những người trên tuyến đầu.

Chắc hẳn nhiều người dân Thái Bình đã thở phào nhẹ nhõm khi “đoàn quân” lãnh đạo bỏ dở hành trình, quay về chống dịch. Có nhiều quan chức rất hay nhầm vai khi ngồi vị trí quyền lực. Quyền lực nhà nước được nhân dân giao cho cán bộ để chăm lo cho cuộc sống của người dân, cán bộ phải để thể hiện vai trò “công bộc”, chứ không phải bị nó chi phối và dần tha hoá.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.