> Bài 1: Xăng và máu
> Bài 2: Qua sông Lam, vượt Cổng Trời
Bom và bom
Những người lính Công trường 18 và đoàn khảo sát lên đường ngay trong những ngày đầu tháng 11 - 1968. Họ đi qua con dốc cũ mà Binh trạm 12 đã làm tuyến ống dẫn xăng bằng những cây bương. Những cây bương ấy giờ khô héo nằm dọc đường mòn. Họ đi qua con đường cũ lầy lội từng thấm máu các chiến sỹ khiêng, gùi xăng qua trọng điểm.
Trên đoạn đường còn nguyên những khẩu hiệu viết trên mảnh gỗ hòm bộc phá: “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”; “Máu ta, ta quý hơn vàng, nhưng vì Tổ quốc sẵn sàng hiến dâng”.
Ông Nguyễn Hữu Dư, bộ đội xăng dầu Trung đoàn 537, nhớ lại: “Trên đường đi khảo sát, chúng tôi gặp một quả bom vướng cản đường, anh Cát hô mọi người lùi lại ngoài 20m, nấp vào các gốc cây to.
Còn anh nhẹ nhàng tiến lại quả bom. Anh Sơn thấy anh Cát môi mím lại vẻ lo lắng nên cũng chạy đến. Anh Cát xua tay: “Anh Sơn lùi lại đi, đừng lên nữa. Đây là loại bom mới để mình tôi thôi”. Anh Sơn vẻ kiên quyết: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, khó thì anh và tôi tìm cách tháo gỡ lo gì?”.
Vừa nói, anh Sơn vừa tiến lại cùng anh Cát tìm hiểu cấu tạo quả bom. Chúng tôi hồi hộp theo dõi hai anh làm việc bên lưỡi hái tử thần. Khoảng mười phút sau, một tiếng nổ inh tai, nhức óc, tấm nylon khoác trên người anh Cát bay lên ngọn cây, anh Sơn ngã vật ra, trong khói bom và bụi đất. Chúng tôi thay nhau khiêng hai anh về trạm xá binh trạm.
Vì đường xa, dốc hiểm, cây cối ngổn ngang, đi lại rất khó khăn nên anh Sơn hy sinh dọc đường. Về đến trạm phẫu thuật thì anh Cát trút hơi thở cuối cùng”.
Đại tá Nguyễn Khiêm, nguyên Chính ủy Trung đoàn đường ống 592, không thể nào quên ngày 28- 1 - 1972 ở khu vực Tà Lao, tỉnh Sa Van Na Khet (Lào).
“Trong lúc anh chị em đang làm việc, một số người tranh thủ giã giò, gói bánh chưng chuẩn bị Tết Quý Sửu. Bất ngờ, bom đạn ầm ầm đổ xuống đầu, khói bom mù mịt, một vạt rừng cây nguyên sinh bị cạo sạch, ngổn ngang đất đá và thân cây đổ nát. Hơn chục chiến sỹ hy sinh và bị thương. Trong đó có bác Nhân lớn tuổi nhất - tiểu đội trưởng nuôi quân, cô Vy - y tá trạm xá bị bom xé nát khi đang điều trị cho bệnh nhân.
Rồi cô Thu cấp dưỡng, cô Nhiễu văn thư bảo mật. Cô Vân hy sinh bên nồi cơm, bị một chiếc chảo lớn chụp lên đầu. Khoảng 13h, lại ầm ầm bom đạn rải thảm xuống.
Lại hơn chục chiến sỹ nữa bị thương và hi sinh. Cô Xuân, cô Ninh gục trên bàn trực thông tin, máu nhuộm đỏ cả cuốn nhật ký điện thoại, tay cô Xuân vẫn không rời tổ hợp. Sau đợt ném bom thứ hai, không ai rời trận địa. Mọi người lại lao vào cứu chữa đồng đội, chôn cất liệt sỹ chu đáo, không ai kịp nghĩ về mình”.
Những người con gái góp sức làm đường ống xăng dầu ở Trường Sơn dĩ nhiên chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới.
Chiến sĩ gái Trung đoàn đường ống 592 trên trọng điểm. |
Bà Lã Thị Tình, Trung đoàn 592, kể: “Ngày đó, Trung đội tôi phụ trách vẫn đủ 41 người, bình quân mỗi ngày có khoảng 7,8 chị em phải mặc quần đen, tôi cứ đùa là đường ống hôm nay gặp sự cố nhiều quá.
Có hôm mắc võng ngủ trong rừng, vắt từ cây bật xuống, chui vào cổ, vào nách hút máu, có chị ở thành phố không biết con gì, sợ quá ôm nhau khóc như cha chết.
Chúng tôi phải sống quanh năm với núi rừng âm u, sáu tháng nắng lửa, sáu tháng mưa dầm đến thối đất, quần áo phơi hàng tuần không khô, lúc nào cũng ẩm ướt, ngứa ngáy, khó chịu. Một số chị em hy sinh vì sốt rét ác tính. Nhưng chúng tôi vượt lên tất cả, đưa ống dẫn tới mọi chiến trường”.
Tiểu thuyết “trả nợ” Trường Sơn
Chiến sĩ gái xăng dầu thi công tuyến đường ống vượt Trường Sơn. |
Tôi cứ ngỡ cuộc đời của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu đầy chất “không
tưởng” như đường ống xuyên Trường Sơn mà ông đã gắn bó cả một thời trai trẻ. Làm thế nào một cậu ấm tốt nghiệp Đại học Bách khoa, vào thẳng chiến trường Trường Sơn, trải qua bao nhiêu bom đạn dập vùi, lập chiến công và sau đó được thăng quân hàm Thiếu tướng (từng giữ chức Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng)? Đọc cuốn tiểu thuyết Dòng sông mang lửa của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu sẽ thấy câu trả lời và bức tranh chân thực, cảm động về đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất.
Sau khi về hưu, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu canh cánh nợ lòng nếu không viết được một cuốn sách về những năm tháng cùng đồng đội làm đường ống xăng dầu. Cuốn Dòng sông mang lửa dày 626 trang ra đời, tuy là tiểu thuyết nhưng những câu chuyện, nhân vật, chi tiết trong ấy lại hầu như có thật, tác giả thừa nhận “tiểu thuyết gần với thể loại ký”.
Có những câu chuyện mà trong tiểu thuyết cứ ngỡ là bịa, nhưng lại có thật ở Trường Sơn mà cho đến giờ thiếu tướng Hậu vẫn không thể quên.
“Khi phát hiện bom đánh đứt tuyến, anh Quy trạm trưởng trạm bơm ở Ka Tần đã lao ra nối ống. Trong lúc thao tác, bất ngờ xăng trong ống phun ra tưới khắp người, ngập đầy vũng bom dưới chân. Cùng lúc ấy, một loạt bom dội tiếp, nơi anh đứng trở thành biển lửa. Đồng đội nhìn thấy nhưng không cứu được”, ông nói.
Trong một lần khác, máy bay địch thả bom từ trường xuống cửa khẩu 18, nơi thử lửa của Bộ đội đường ống Trường Sơn. Khi đại đội lắp ống vượt qua trọng điểm, địch ném bom từ trường dày đặc. Mặc dù tuyến đó đã được công binh phá hết bom, nhưng chiến sỹ Nguyễn Lương Định lo vẫn
còn bom từ trường bị vùi lấp nên xin được vác ống kiểm tra lần cuối để đảm bảo an toàn cho Đại đội triển khai.
Không may, điều Định lo là sự thật. Định nhận trọn một quả bom từ trường bị vùi sâu dưới đất mà công binh không phát hiện ra. Anh bị thương nặng, còn đồng đội được an toàn.
Chẳng ngờ mấy chục năm sau, Hồ Sỹ Hậu gặp lại người đồng đội dũng cảm ấy trong một tình huống như tiểu thuyết. Ông đưa cuộc gặp có thật này vào tiểu thuyết mà không sáng tác một chi tiết nào, có chăng chỉ thay tên nhân vật. Tác giả được lấy tên là Vũ Ngọc, còn Định thì trong tiểu thuyết tên là Đỉnh. Chính vì tính chất ký sự đó nên xin được trích đăng đoạn này trong tiểu thuyết. Đó là vào năm 1988.
“Khi qua cổng trường Đại học Thủy lợi, Ngọc nhìn thấy người thương binh ngồi trên xe lăn bán vé số. Anh tạt vào vỉa hè mua vài vé, vừa ủng hộ người thương binh, biết đâu lại được cái giải bét.
“Anh cho tôi mua hai vé. Anh xem vé nào có thể trúng thì chọn hộ tôi nhé - Ngọc vừa hài hước vừa rút ví lấy tiền. “Nếu tôi được khả năng tiên đoán như anh thì đâu đến nỗi này - Giọng người thương binh đượm buồn. Tuy nhiên, có lẽ bộ quân phục sờn bạc của người khách khiến anh ta cảm thấy gần gũi hơn. “Một mình tôi lĩnh quả bom từ trường mà không chết. Vậy nên tôi là người may mắn. Tôi chọn cho anh nhé”.
Một mình một quả bom từ trường? Câu nói ấy khiến Ngọc nhớ về thời chiến tranh. Anh chăm chú nhìn người bán vé số. Bất giác, người ấy cũng nhìn anh. “Anh bị bom ở đâu vậy?”. “Ở Sê Bang Hiêng. Tôi là lính đường ống?”. Ngọc sững sờ: “Anh có phải Đỉnh không?”. “Vâng, tôi Đỉnh đây. Anh có phải là kỹ sư Ngọc?”.
Đỉnh đánh rơi tấm vé số trên tay. Anh nhoài người ra ôm lấy Ngọc oà khóc...”.
Chiến sỹ Nguyễn Lương Định oai hùng ngày nào, giờ sống cuộc đời thanh đạm cùng gia đình vốn cũng rất gieo neo. Ít lâu sau, anh mất. Nội tạng của anh vốn đã bị chấn thương quá nặng bởi sức ép của bom từ trường.
Chia lửa thời bình
Ban chỉ huy Binh trạm 169 anh hùng trên đường 12 - binh trạm đầu tiên của Bộ đội đường ống Trường Sơn. |
Những đồng đội của Trường Sơn năm xưa giờ vẫn gắn bó, chia lửa cho nhau. Phần lớn bộ đội đường ống đều ở những vị trí rừng rậm, vùng bị rải chất độc da cam, thường xuyên tiếp xúc xăng chì, cọ rửa phuy bể nên tỉ lệ nhiễm độc cao.
Ban liên lạc truyền thống ngành xăng dầu quân đội ra đời đã cùng chung tay chia sẻ với đồng đội. Ban liên lạc luôn thông qua các chi hội, báo đài tìm kiếm, phát hiện đồng đội bị nhiễm chất độc để giúp đỡ, làm chế độ chính sách cho họ.
Rời chức Cục trưởng Cục xăng dầu, về hưu, đại tá Mai Trọng Phước xin đi làm thêm. Con cháu băn khoăn không hiểu vì sao, cuộc sống cũng đã đầy đủ mà ông vẫn không chịu nghỉ ngơi. Hoá ra, ông đi làm thêm để có tiền giúp đồng đội.
Chị Liên ở Nghệ An, nguyên là bộ đội đường ống bị nhiễm chất độc da cam, sinh ra ba đứa con bị mù. Nỗi đau càng chồng chất khi dân làng bàn tán cho rằng vì ở ác nên mới bị như vậy.
Hay tin, đại tá Phước mượn xe biển đỏ, đeo quân hàm đại tá về thăm chị Liên. Thấy một vị đại tá về thăm người đàn bà có ba con mù lòa, dân làng rất nể, kéo đến chơi.
Lúc đó, vị đại tá mới kể về những năm tháng ở Trường Sơn của chị Liên, và dân làng đã hiểu vì sao chị sinh ra ba con bị mù. Cuộc sống của mẹ con chị Liên thay đổi từ đó, khi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người.
Một người con được bác sỹ người Pháp giúp phẫu thuật mắt và đã có thể đi cày ruộng... Đã nhiều lần Đại tá Phước đi xe biển đỏ để giúp đồng đội như thế.
Nhưng nếu không có công vụ thì ông đều đi xe đạp. Ở tuổi 89, vị đại tá vẫn đạp xe đi nhiều tỉnh thành, sưu tầm các bài thuốc hay, rẻ tiền, photo thành tập tặng đồng đội. Bước chân ông vẫn dẻo dai, cứ như hồi xuân về cái thời trai trẻ đi dọc Trường Sơn làm đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất.