> Nóng bỏng lạm phát, tai nạn giao thông
> Băn khoăn an toàn nợ công khi bấm nút
4 cảnh báo
TS Trần Hoàng Ngân (ĐB TPHCM) đưa ra 4 vấn đề cần cảnh báo. Thứ nhất, lạm phát Việt Nam đã tăng cao kéo dài trong suốt 5 năm, từ 2007 đến nay và bình quân mỗi năm tăng 13%, gấp 3 lần so với các nước trong khu vực. Thứ hai, bội chi ngân sách kéo dài liên tục trong nhiều năm chưa có xu hướng cân bằng, từ đó kéo theo nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài liên tục gia tăng.
Đến cuối năm 2011 nợ công Việt Nam sẽ ở mức 54,6% GDP. “Mức này theo tôi là rất cao và cần có những cảnh báo, bởi vì nhìn sang các nước trong khu vực, nợ công của Thái Lan là 44%, Indonesia là 39,7%, Philippines là 47,3% GDP. Vậy mà tôi thấy còn nhiều ý kiến cho rằng nợ công của Việt Nam vẫn ở mức an toàn, vẫn đảm bảo an ninh tài chính. Cách đây 3 năm các nước châu Âu cũng nói nợ công an toàn vậy mà họ đang vỡ nợ, tư tưởng nợ công an toàn của Chính phủ đã làm cho 63 tỉnh, thành và 49 cơ quan trung ương năm nào cũng chi vượt dự toán ngân sách”- TS Trần Hoàng Ngân nói.
Thứ ba, chúng ta đã nhập siêu liên tục trong nhiều năm với mức nhập siêu rất cao. Nếu như 5 năm 2001- 2005 chúng ta nhập siêu chỉ có 19 tỷ USD, thì 5 năm 2006- 2010, nhập siêu 63 tỷ USD. Tình trạng nhập siêu này sẽ kéo nợ nước ngoài gia tăng, áp lực lên tỷ giá.
Thứ tư, tình hình khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, tình trạng thất nghiệp.
ĐB Ngân kiến nghị “phải trị cho được căn bệnh lạm phát mặc dù căn bệnh này rất lâu năm và trở thành kinh niên”. Cần tăng liều lượng và thực hiện trong nhiều năm. Trong đó, phải cương quyết thắt chặt chính sách tài khóa và kỷ luật sắt trong chi tiêu ngân sách Nhà nước. “Chính phủ có báo cáo cụ thể tên, địa chỉ các đơn vị, địa phương không tuân thủ pháp luật tài chính, kỷ luật ngân sách, khởi công nhiều dự án trái với quy định”- Ông Ngân nói.
Không nên quá lo lắng
Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: “Chúng ta không quá lạc quan, nhưng cũng không nên quá lo lắng về nợ công”.
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, ước đến ngày 31-12-2011 nợ công là 54,6%, và đến hết 31-12-2012 là 58,4%. Chỉ số này tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng 6%, nếu như kịch bản tăng trưởng đạt được 6,5% thì tỷ lệ nợ công sẽ thấp hơn. Trong cơ cấu nợ công của Việt Nam, nợ ODA chiếm 75%, vay ưu đãi khác là 19%, vay thương mại 7%. Trong 75% nợ ODA thì thời gian vay rất dài, lãi suất ưu đãi. Nợ công ở các nước đã phát triển và các nước đã thoát khỏi ngưỡng nghèo không giống Việt Nam, nợ công của họ đa phần là vay thương mại. Ngoài ra, về phương pháp tính cũng khác nhau, nếu thay đổi cách tính thì nợ công Việt Nam còn thấp hơn nữa.
Hiện, Bộ Tài chính đã xây dựng xong Chiến lược quản lý và sử dụng nợ công đến năm 2020 trình Chính phủ.
Về khả năng trả nợ, Bộ trưởng Vương Đình Huệ chia sẻ là “không quan trọng vay bao nhiêu mà quan trọng là trả nợ như thế nào”. Hiện nay tổng nợ phải trả hằng năm của Chính phủ bằng khoảng 14- 16% ngân sách. Ví như, năm 2012, chúng ta bố trí khoảng 100 nghìn tỷ đồng để trả nợ. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, mức trả nợ an toàn là không quá 30% tổng thu ngân sách thì chúng ta mới sử dụng dư địa đến 14- 16%. “Thời gian tới cùng với việc tăng cường quản lý sử dụng vốn vay, tăng cường cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công và các chỉ số vĩ mô như GDP, dự trữ ngoại hối, tỷ giá được ổn định thì chúng tôi nghĩ quản lý nợ sẽ tốt hơn”- Ông Huệ khẳng định.
Do vậy, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đề nghị QH cho giữ tỷ lệ nợ công đã trình theo kế hoạch 5 năm, đối với nợ quốc gia là không quá 50%, nợ Chính phủ không quá 53% và nợ công thì khoảng 60- 65% GDP.
Sẽ điều chỉnh tiền lương cho phù hợp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: Chúng tôi quyết tâm cùng với các bộ, ngành để có thể trình với các cơ quan có thẩm quyền đề án cải cách tiền lương và trình ra Hội nghị Trung ương 5, khóa XI sắp tới. Đây là vấn đề mang tính chất cấp bách, bức xúc và tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị rất quan tâm. Theo đề án, dự kiến lộ trình từ năm 2012 đến 2014 cố gắng điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp, đáp ứng khả năng tối thiểu. Sau khi đạt được điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu thì mới tính quan hệ giữa mức lương tối thiểu, trung bình, tối đa để tránh dàn trải. Từ lương trung bình sau đó mới tính đến ngạch, thang, bậc lương; tính đến yếu tố trợ cấp theo hướng đưa một số phụ cấp hiện nay vào trong lương mới để cân đối cho phù hợp. |