Trước đó, GS Nguyễn Lân Dũng kiến nghị đưa cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội (gọi là rùa Đồng Mô) để duy trì truyền thuyết hồ Gươm. ATP nêu ra 3 lý do chính để phản đối đề xuất này. Theo ATP, chất lượng nước hồ Gươm là vấn đề đáng quan tâm. Dù Hà Nội đã cải tạo chất lượng nước hồ sau khi phát hiện và chữa trị rùa Hoàn Kiếm năm 2011, tuy nhiên nước hồ Gươm chưa bao giờ được xử lý hoàn toàn sạch để là nơi lý tưởng cho rùa sinh sống.
Các hồ ở đô thị lớn như Hà Nội thường bị ô nhiễm với nồng độ các kim loại nặng cao và lượng lớn vi khuẩn trong nước. Việc chuyển động vật đang sống trong môi trường tự nhiên đến một khu vực bị ô nhiễm nặng sẽ dẫn đến bị ngộ độc và chết. Hiện tượng này đã từng xảy ra đối với các loài thủy sinh như cá, rùa và một số loài khác.
Lý do thứ hai, theo ATP, rùa Đồng Mô có thể bị căng thẳng nếu sống ở hồ Gươm. Rùa Đồng Mô đã sống trong môi trường tự nhiên nhiều năm, tập tính quen với sự trú ẩn an toàn ở khu vực hoang dã rộng lớn, vắng vẻ. Nếu bị thay đổi môi trường đột ngột sang một nơi ồn ào, đông đúc bởi hoạt động của con người và thiếu nơi trú ẩn sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng, hoảng loạn. Đối với nhiều loài rùa, tình trạng căng thẳng có thể gây ra các bệnh kéo dài khiến con vật bị ốm, dẫn đến tử vong, thường gặp ở những cá thể hoang dã bị bắt về môi trường nuôi nhốt. Trong khi đó, hồ Gươm rộng có 12ha, nhỏ chưa bằng 1% diện tích hồ Đồng Mô rộng gần 1.400ha. Nguồn thực vật phong phú và các bãi đất, cát hoang vắng cho rùa sưởi nắng hay sinh sản là những điều kiện còn rất hạn chế ở hồ Gươm.
Ngoài ra, rùa Đồng Mô sẽ phải chịu nhiều đe dọa khi sống ở hồ Gươm, nhất là tình trạng câu trộm, một trong những nguyên nhân khiến rùa Hoàn Kiếm bị ốm và phải đưa lên điều trị năm 2011. Với các lý do trên, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho rằng, đem cá thể rùa Đồng Mô về hồ Gươm đồng nghĩa với việc loại cá thể này ra khỏi các chương trình bảo vệ sự sinh tồn của loài. Ngoài ra, việc đem rùa khác về thay thế trong hồ Hoàn Kiếm, nếu đáp ứng điều kiện lý tưởng là rùa không phải đối mặt với các vấn đề như chất lượng môi trường, bệnh tật, nguy hiểm có thể duy trì được vài chục năm, hoặc dài hơn là 100 năm cũng không phải là giải pháp triệt để. Vì thế, tổ chức này kiến nghị “phương án này không khả thi và cần được đưa ra thảo luận, cân nhắc thận trọng vì nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Cần tìm giải pháp thay thế phù hợp hơn”.
Nhanh chóng bảo tồn và phục hồi loài
Giải pháp lâu dài và bền vững, theo ATP là tiến hành bảo tồn và phục hồi loài rùa Hoàn Kiếm, tạo ra các thế hệ kế tiếp và đảm bảo các điều kiện phù hợp nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài rùa quý.
Rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) là loài động vật quý hiếm nhất hiện nay, số lượng chỉ còn ba cá thể. Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà thế giới cũng rất quan tâm đến loài rùa này. Khôi phục và nhân giống rùa cần một chương trình bảo tồn với tầm nhìn dài hạn, không hạn chế ở thời gian trước mắt hay trong một thế hệ là đủ.
Ngay trong giai đoạn quan trọng này, việc thiết lập chương trình bảo vệ loài và tìm kiếm cơ hội nhân giống rùa cần được lên kế hoạch kịp thời. ATP cho rằng, tiềm năng khôi phục rùa Hoàn Kiếm là có thể, bởi một cá thể rùa cái có thể đẻ 50-100 trứng mỗi năm. Vì thế, nếu nhân giống thành công, số lượng rùa sẽ tăng lên rõ rệt làm nguồn giống cho các thế hệ tương lai. Lúc đó, những cá thể rùa non có thể thả về hồ Hoàn Kiếm sau khi hồ được cải tạo và đáp ứng đủ điều kiện phù hợp cho sự sinh trưởng của rùa. “Chính quyền và các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong và ngoài nước cần phối hợp với nhau, đầu tư nghiên cứu, tìm kiếm các cá thể còn sót lại trong hoang dã, ghép đôi sinh sản và bảo vệ chúng”, ATP khuyến nghị.
Chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho rằng, đem cá thể rùa Đồng Mô về hồ Gươm đồng nghĩa với việc loại cá thể này ra khỏi các chương trình bảo vệ sự sinh tồn của loài.