'Không hoàn thành nhiệm vụ, từ chức là bình thường'

Bộ trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường.
Bộ trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường.
TPO - Chiều nay, 3/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Từ chức là văn hóa của cán bộ. Khi anh cảm thấy không hoàn thành nhiệm vụ, việc từ chức là bình thường.

“Nếu có quy định thì có thể quy định vào trong các luật khác. Ví dụ luật giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân. Không nhất thiết phải quy định trong luật tổ chức Chính phủ”- Ông Cường nói.

 Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng: Quy định về từ chức đã đưa vào Luật cán bộ công chức nên không đưa vào Luật tổ chức Chính phủ. Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay vẫn chưa có cán bộ nào từ chức, dù cũng đã có những sai phạm, thưa ông?

Trong Luật Tổ chức cán bộ đã quy định thì đó cũng là một cái tốt, mang tính bao quát, phủ rộng tới tất cả các loại cán bộ có chức vụ, quyền hạn được giao. Ngoài ra vấn đề từ chức cũng quy định thêm ở Luật giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân thì càng tốt. Nói không có cán bộ nào từ chức thì cũng cần nhìn rộng hơn. Tiến tới luật pháp phải quy định rõ, mỗi chức danh có chức năng nhiệm vụ thế nào cho rõ. Khi chức trách rõ ràng rồi thì bất kỳ một người nào có tự trọng, khi họ nhận nhiệm vụ gì thì cũng phải cân đong đo đếm cẩn thận. Hiện nay thực chất là phân công nhiệm vụ. Giữa cá nhân và tập thể không rõ ràng. Có thể anh phải thực hiện quyết định của người khác, thậm chí thực hiện quyết định của cả một tập thể. Như vậy, không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho 1 người được.

Thực tế từ 2008 đến nay chưa có cán bộ từ chức thì thực tế nó như vậy. Tuy nhiên, tôi hy vọng rồi mọi thứ sẽ chặt chẽ, các quy định của Hiến pháp sẽ được quy định cụ thể trong các luật. Tôi nghĩ rằng tiến tới việc từ chức sẽ đến.

Có ý kiến cho rằng đưa quy định về từ chức trong Luật tổ chức Chính phủ thì sẽ đề cao được trách nhiệm của cán bộ. Vừa qua, có những vụ việc nghiêm trọng xảy ra nhưng không tìm được ai chịu trách nhiệm?

Không chỉ nên xoáy sâu vào Luật tổ chức Chính phủ. Ngay cả các đại biểu Quốc hội, không phải ai cũng làm tròn trách nhiệm của mình. Đại biểu Quốc hội chính là chính khách được nhân dân bầu ra để thực hiện quyền lực cao nhất. Vì vậy, cần phải nói một cách công bằng. Vì vậy, chỉ nên quy định chung chứ không nên xoáy vào Luật tổ chức Chính phủ hay Luật tổ chức Quốc hội.

Tức là nên quy định về từ chức trong tất cả các luật liên quan?

Thực ra, tôi thấy ở các nước cũng không quy định trong luật về từ chức. Đó là một phạm trù về đạo đức công vụ.

Ở nước ngoài, quan chức thường sẵn sàng từ chức sau khi có những sai phạm còn ở Việt Nam tại sao lại không thực hiện được điều đó?

Bên đó có chế độ đa đảng. Chỉ cần người ta phát hiện ra trong hoạt động bầu cử có sử dụng tài chính bất minh thì cũng phải từ chức. Ví dụ như sự việc 2 nữ bộ trưởng của Nhật Bản phải từ chức sau khi có những thông tin sai phạm trong bầu cử. Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo duy nhất và công tác cán bộ là công tác số một của Đảng. Đảng giao nhiệm vụ cho anh, khi anh từ chức anh cũng phải báo cáo tổ chức chứ. Đảng giao nhiệm vụ, ra Trung ương biểu quyết và đưa ra cơ quan Quốc hội để phê duyệt. Trừ khi anh sai phạm rõ ràng.

Vừa qua cũng có những sai phạm ở một số địa phương, bộ ngành và thậm chí ĐBQH cũng cho rằng nên quy định về từ chức trong luật, thực chất là cho anh rút lui trong danh dự?

Vấn đề này cần phải hiểu sâu thêm. Tôi ví dụ, nếu các bạn gọi tôi là tư lệnh trong ngành Tư pháp thì không đúng. Tôi chỉ đứng đầu Bộ tư pháp thôi. Tư pháp ở địa phương không phải do tôi quản lý, việc pháp chế ở các Bộ không phải do tôi quản lý. Tôi nói nhưng họ có làm hay không là một câu chuyện khác. Ở các nước khác, họ quản lý theo ngành dọc. Ở các nước, tư pháp là công việc của trung ương. Vì vậy, kể cả hộ tịch viên ở các xã cũng là người của trung ương cử xuống đó làm nhiệm vụ hộ tịch. Vì vậy, nhất nhất người đó không thể làm sai lời Bộ trưởng.

Ở Việt Nam, cán bộ hộ tịch là người giúp việc cho ông chủ tịch. Ông chủ tịch nói thế nào thì phải theo thế đấy.

Vậy thì tôi làm sao mà chịu trách nhiệm được. Ở đây, việc phân cấp, phân quyền phải rõ thì mới đảm bảo người đứng đầu có quyền hạn toàn vẹn và chịu trách nhiệm toàn vẹn.

Tôi lấy ví dụ, vừa qua có những việc nọ việc kia phê bình Bộ trưởng Bộ Y tế, nhưng lỗi không phải do Bộ trưởng Y tế mà do Ủy ban nhân dân địa phương sắp đặt. Như vậy, tại sao cứ bắt Bộ trưởng Y tế từ chức.

 Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.