110 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021):

Không hổ thẹn với tiền nhân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ông Phan Đình Đẩu, người trông coi, hương khói nhà thờ họ Phan trong Khu tưởng niệm ông Lê Đức Thọ (thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, thành phố Nam Định) cho biết: Họ Phan tôi vốn dòng khoa cử, nhưng chuyện một nhà sinh 5 người con trai có 3 người là lãnh đạo cấp cao là hiếm…

Nhà ba tướng

Thắp nén nhang thơm lên bàn thờ tổ họ Phan và bàn thờ linh vị của 5 anh em trai ông Lê Đức Thọ (tên thật là Phan Đình Khải), ông Phan Đình Đẩu tự hào về dòng tộc mình vốn hàng khoa cử, đời nào cũng có người đỗ đạt, được phong quan như cụ tổ đời thứ 2 Phan Đình Địch được triều đình tặng “Bát phẩm tượng mục”, cụ tổ đời thứ 3 Phan Đình Lạn được phong “Hàn lâm viện Thị Giảng học sỹ Triều Liệt đại phu”, cụ tổ Phan Đình Hoè (1876-1954) đỗ Cử nhân khoa Canh Tý (năm 1900), làm quan 4 đời vua triều Nguyễn đều nổi tiếng liêm khiết, nhân từ…

Không hổ thẹn với tiền nhân ảnh 1

Ông Phan Đình Đẩu trước bia tưởng niệm của dòng họ Phan thôn Địch Lễ

Hỏi về chuyện thời niên thiếu của ông Lê Đức Thọ, ông Phan Đình Đẩu (sinh năm 1945) cho biết: “Lúc mấy anh em trai nhà ông Lê Đức Thọ bắt đầu đi hoạt động cách mạng thì tôi chưa sinh nên chỉ biết vài việc sau này. Phần lớn chuyện hoạt động của các ông là do bố tôi và các cụ cao niên trong họ kể và sau này được sử sách, gia phả ghi lại”.

Năm 1973, ông Lê Đức Thọ về thăm và làm việc với tỉnh Nam Định. Sau khi thăm chùa Tháp Phổ Minh, ông Thọ đã nhắc nhở phải giữ gìn, bảo tồn tháp Phổ Minh vì đây chính là biểu tượng, niềm tự hào của người Nam Định. Thực hiện lời dặn này, thành phố đã có kế hoạch bảo vệ tháp Phổ Minh, toàn vẹn, biểu tượng một thời của Hào khí Đông A - Nhà Trần.

Theo lời bố ông Đẩu và các cao niên họ Phan ở thôn Địch Lễ, thân phụ của ông Lê Đức Thọ mất năm mới 46 tuổi (năm 1928), lúc đó 3 anh em trai ông Lê Đức Thọ đều đã bắt đầu tham gia cách mạng.

“Chồng mất sớm, một mình nuôi dạy 8 người con nhưng thân mẫu của ông Lê Đức Thọ là cụ Đinh Thị Hoàng (1882-1956) là người sớm có tư tưởng tiến bộ. Khi biết các con trai tham gia hoạt động cách mạng, cụ đều nhiệt tình ủng hộ. 3 người con bị tù đày khắp các nhà tù của giặc Pháp như Sơn La, Hỏa Lò, Hòa Bình cụ đều lặn lội đi thăm. Dù xót xa trước đòn roi tra tấn của quân thù lên cốt nhục của mình, cụ vẫn động viên con và bạn tù kiên định con đường cách mạng đã chọn. Ngôi nhà của cụ chính là cơ sở cách mạng từng nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cán bộ của Đảng trong thời kỳ hoạt động ở Nam Định như đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt”, ông Đẩu nói.

Dẫn tôi đến khu bàn thờ 5 người con trai của cụ Đinh Thị Hoàng, ông Phan Đình Đẩu giới thiệu: Trong 5 người con của cụ, có tới 3 người được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương cao quý nhất là Huân chương Sao Vàng. Ngoài ông Lê Đức Thọ còn có ông Đinh Đức Thiện (tên thật là Phan Đình Dinh, sinh năm 1913, con trai thứ tư trong gia đình) là Thượng tướng, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Giao Thông- Vận tải, Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim.

Không hổ thẹn với tiền nhân ảnh 2

Trong 5 anh em trai ông Lê Đức Thọ, có 3 người là lãnh đạo Đảng, Nhà nước - Ảnh: Hoàng Long

Người con trai út là Đại tướng đầu tiên của Bộ Công an Mai Chí Thọ (tên thật là Phan Đình Đống, sinh năm 1922). Ông Mai Chí Thọ tham gia cách mạng rất sớm, từ năm mới 14 tuổi. Năm 19 tuổi đã tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, ông Mai Chí Thọ hoạt động chủ yếu ở trong Nam. Đến năm 1986 ông được điều ra miền Bắc, giữ cương vị Thứ trưởng, sau đó là Bộ trưởng Bộ Công an. Ông Mai Chí Thọ được bầu vào Bộ Chính trị khoá VI.

Em đánh, anh đàm

Với điều khoản buộc Mỹ phải rút toàn bộ quân đội ra khỏi Việt Nam, Hiệp định Paris được xem là bước ngoặt lớn, là tiền đề cho toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.

Lịch sử ghi nhận, thành công của Hiệp định Paris là tổng hợp chiến thắng trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, đồng thời ghi nhận, cả 3 anh em nhà họ Phan ở thôn Địch Lễ, Nam Định có những đóng góp nổi bật vào thành công của Hiệp định Paris.

Ở Thủ đô của nước Pháp, cố vấn Lê Đức Thọ thể hiện tài năng kiệt xuất về ngoại giao để ta luôn giành thế chủ động, ép phái đoàn Mỹ vào thế bị động thì ở quê nhà, 2 người em của ông cũng lập những chiến công vang dội, góp phần xoay chuyển thế trận trên chiến trường.

Cụ thể, từ năm 1968, để tăng sức ép cho bàn đàm phán Paris, địch điên cuồng ném bom, bắn phá trên diện rộng. Ngược lại, ta cũng tăng cường chi viện sức người, sức của cho Miền Nam để giành thế chủ động.

Lúc này, con đường huyết mạch chi viện cho miền Nam là đường Trường Sơn có thời điểm gần như tắc nghẽn vì thiếu xăng dầu. Tháng 4/1968, tư lệnh đường Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên điện báo khẩn về Bộ Quốc phòng: Do thiếu xăng, xe phải ngừng hoạt động. Nếu không chuyển kịp xăng và lương thực vào, có nguy cơ hàng vạn bộ đội bị đói.

Để giải quyết vấn đề này, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần lúc đó là ông Đinh Đức Thiện đã táo bạo đề xuất xin làm hệ thống đường ống xăng dầu xuyên Trường Sơn và được Quân uỷ Trung ương thông qua. Từ giữa năm 1968, tuyến ống đầu tiên bắt đầu từ Nam Thanh (Nam Đàn, Nghệ An) đến Nga Lộc (Hà Tĩnh) dài 42km, đưa xăng vượt qua “tam giác lửa” Vinh-Nam Đàn-Linh Cảm. Sau đó, tuyến đường ống dần vượt Trường Sơn và có mặt trên tuyến vận tải chiến lược. Đến đầu năm 1973, khi Hội nghị Paris thành công, bộ đội hậu cần đã hoàn thành tuyến đường ống dài trên 1.000 km để vận chuyển xăng dầu từ Bắc vào Nam, chuẩn bị cho giai đoạn thống nhất đất nước.

Cũng thời điểm những năm 1968- 1973, người em út trong gia đình họ Phan là ông Mai Chí Thọ đang trực tiếp đối đầu với kẻ thù trên chiến trường miền Nam. Với vai trò là Bí thư Khu uỷ Sài Gòn- Gia Định và là Chính uỷ Quân khu Sài Gòn- Gia Định, ông Mai Chí Thọ đã lãnh đạo quân dân miền Nam lập những chiến công vang dội ngay trong lòng địch, nổi bật là Chiến dịch Mậu Thân 1968, góp phần vào hoàn thành mục tiêu quan trọng “Đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn thương lượng”.

MỚI - NÓNG