ĐB Đào Trọng Thi. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) cho rằng không nên quản lý dân cư bằng biện pháp hành chính. Luật Cư trú quy định nơi cư trú của công dân là chỗ hợp pháp mà người đó thường sinh sống, và quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Việc dùng các biện pháp hành chính để hạn chế di dân tự do về các đô thị lớn trong đó có Hà Nội thường không mang lại hiệu quả và nhiều khi trái với quy định của pháp luật (xem thêm bài “Thóc đâu, bồ câu đấy”).
Băn khoăn cơ chế đặc thù
Nhất trí cao việc cần thiết ban hành Luật Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) Đào Trọng Thi (TP Hà Nội) cho rằng, cần xác định những vấn đề thực sự cần thiết trong việc ban hành cơ chế đặc thù cho Thủ đô. Đó là những vấn đề liên quan đến vị thế đặc biệt, sứ mệnh đặc biệt của Thủ đô - trái tim, bộ mặt của cả nước. Bởi vậy, cần áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý đô thị.
"Có cảm giác chúng ta dành sự ưu ái, dồn nguồn lực cho Thủ đô nhiều quá, rõ ràng gây nên những tình cảm khác nhau của các ĐB ở các tỉnh khác" - Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Ngô Minh Hồng |
Mặc dù đó là những vấn đề chung của các tỉnh, thành phố, nhưng riêng với Thủ đô thì yêu cầu cao hơn. “Gây ô nhiễm môi trường ở Thủ đô hậu quả nặng nề hơn, sự khắc phục cần chi phí cao hơn nhiều vì Thủ đô với tư cách là bộ mặt của cả nước, cần chuẩn mực cao hơn về môi trường. Hay một hành vi vi phạm giao thông ở Thủ đô cũng gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều, đặt mức thu phí cao thì mới tương xứng với hậu quả” - ĐB Thi nói.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và một số ĐB cho rằng, việc áp dụng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính, mức thu một số loại phí ở khu vực nội thành cao hơn mức chung cả nước… là chưa thuyết phục. Nếu các địa phương cũng xin như thế có được không? Phải chăng người Thủ đô có thu nhập cao hơn, hoặc mặt bằng dân trí cao hơn hay ý thức chấp hành pháp luật kém hơn nơi khác? “Tại sao không đặt ra ở lĩnh vực khác như gây mất trật tự xã hội, chống người thi hành công vụ, đưa, nhận hối lộ, tham ô, tham nhũng để quy định cũng phải bị xử lý cao hơn nơi khác?”- ĐB Khá đặt câu hỏi.
ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) nhìn nhận, những cơ chế chính sách đặc thù không được trái với Hiến pháp, đảm bảo công bằng, bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân dù ở Hà Nội hay bất cứ địa phương nào, bởi “Hà Nội không thể là một khu tự trị, độc lập với cả nước”.
Một số ĐB bày tỏ băn khoăn với việc ban hành Luật Thủ đô. “Có lẽ ta cố gắng hoàn thiện hơn pháp lệnh đã có, sau đó sẽ sửa lại Hiến pháp để tạo cơ hội phát triển lâu dài cho Hà Nội và trên nền tảng đó sẽ xây dựng Luật Đô thị, Luật Thủ đô thì sẽ hợp lý hơn”- ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để nghiên cứu, chỉnh lý báo cáo tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.